“Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển: Công ty đua lỗ thảm, vẫn muốn xây sân bay

Dự án lấn biển Tuần Châu đã mang đến cho “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển nhiều năm hoàng kim. Thế nhưng hiện tại, Âu Lạc Quảng Ninh nói riêng và nhiều công ty trong hệ sinh thái Tuần Châu nói chung đều đang rất bết bát. Nhưng ông Tuyển vẫn muốn xây sân bay và thành phố hải sản rộng 500ha ở Cà Mau.

Nhiều doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tuần Châu kinh doanh đang bết bát. (Ảnh minh họa).

Nhiều doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tuần Châu kinh doanh đang bết bát. (Ảnh minh họa).

“Chúa đảo” lại muốn lấn biển, xây dựng sân bay

Ngày 13/4 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với các Tập đoàn kinh tế lớn để mời gọi đầu tư. Trong buổi làm việc này, đáng chú ý nhất là thông tin “Chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tuần Châu Group khẳng định, tập đoàn này rất mong muốn đầu tư vào Cà Mau, nếu cần thiết sẽ xây dựng sân bay.

Ngoài ra, vị doanh nhân nổi tiếng này còn nhấn mạnh mong muốn sẽ đầu tư xây dựng một thành phố hải sản ở Cà Mau với quy mô khoảng 500 ha bằng cách lấn biển trong tương lai.

Thông tin này nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận vì cách đây vài thập kỷ, ông Đào Hồng Tuyển được xem là doanh nhân nổi tiếng nhất khi lần đầu lấn biển, nhân tạo con đường độc đạo ra đảo Tuần Châu, từ đó biến nơi đây thành khu du lịch, vui chơi nổi tiếng nhất cả nước.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt dự án du lịch hấp dẫn của Sun Group và Vingroup, khu vui chơi Tuần Châu dần chìm vào quên lãng. Dù vào mùa cao điểm về du lịch, du khách chọn ghé thăm nơi đây là rất ít. Vì vậy, không ai ngạc nhiên nếu công ty quản lý mảng này của Tuần Châu thua lỗ.

Vì vậy, dư luận băn khoăn “Chúa đảo” dựa vào nguồn tài chính nào để xây dựng sân bay và thành phố hải sản rộng 500ha ở Cà Mau. Dù chưa phương án đầu tư nào được đưa ra nhưng chắc chắn nếu được triển khai, các dự án này sẽ ngốn lượng vốn khổng lồ.

Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu cũng gây sốc khi có đề xuất với chính quyền TP. HCM về việc đầu tư xây dựng tổ hợp các "siêu" dự án, trong đó có dự án đại lộ ven sông Sài Gòn theo hình thức hợp đồng BT, với chiều dài 63km, tổng vốn hơn 63.000 tỷ đồng.

Quỹ đất thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư dự kiến lên tới 12.398ha. Quỹ đất đối ứng sẽ được dùng làm các dự án Sài Gòn New City (Củ Chi), Sài Gòn Marina City (Cần Giờ) và dự án di dời chợ hóa chất Kim Biên.

Trong đó, dự án Sài Gòn Marina City có tổng diện tích 1.430ha; còn dự án Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi sẽ có diện tích gấp khoảng 15 lần dự án Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại.

Công ty chủ lực thua lỗ thảm

“Chúa đảo” có rất nhiều tham vọng lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng nhưng tình hình kình của các công ty liên quan đến ông Đào Hồng Tuyển hoạt động như thế nào?

Tuần Châu Group tiền thân là Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Âu Lạc Quảng Ninh). Hiện tại, Tuần Châu Group mở rộng ra nhiều mảng với nhiều công ty khác nhau nhưng Âu Lạc Quảng Ninh vẫn là cái tên quen thuộc nhất, chủ lực nhất vì nó gắn liền với “huyền thoại lấn biển” Tuần Châu.

"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển vẫn có nhiều dự định lớn.

"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển vẫn có nhiều dự định lớn.

Trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Âu Lạc Quảng Ninh (công ty mẹ) liên tục trồi sụt với biên độ dao động không hề nhỏ. Nếu như năm 2016, doanh thu đứng ở mức 543,5 tỷ đồng đến 2017, con số này đã vọt tăng lên 863,8 tỷ đồng.

Dẫu vậy chỉ một năm sau đó, chỉ tiêu này giáng mạnh xuống mức 226,1 tỷ đồng, tương đương giảm gần 4 lần. Đến cuối chu kỳ, doanh thu mới hồi phục về hơn 739 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu tâm, đó là lợi nhuận sau thuế của Âu Lạc Quảng Ninh không phụ thuộc quá nhiều vào biến động của doanh số và đang trong xu hướng suy thoái khá nhanh. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp chỉ có lãi duy nhất vào năm 2016 với kết quả khiêm tốn 1,6 tỷ đồng.

Năm 2017, Âu Lạc Quảng Ninh lỗ ròng 11 tỷ đồng, lỗ sâu nhất vào năm kế tiếp với con số 77,2 tỷ đồng và kết thúc năm 2019 với mức lỗ 57,6 tỷ đồng.

Dù công ty thua lỗ nhưng cổ đông tài sản vẫn có xu hướng đi lên. Trong giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản tăng từ 2.945 tỷ đồng lên 3.453 tỷ đồng. Nhưng dòng vốn của Âu Lạc Quảng Ninh không đẹp. Cuối 2019, trong khi vốn chủ sở hữu còn 1.020 tỷ đồng, nợ phải trả đứng ở mức 2.433 tỷ đồng.

Hệ sinh thái bết bát

Không chỉ công ty “chủ lực” thua lỗ, nhiều đơn vị khác trong hệ sinh thái Tuần Châu như Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội, Công ty TNHH Jen Tuần Châu, Công ty Cổ phần T&H Hạ Long... cũng bết bát.

Trong đó, ảm đạm hơn cả là tình hình làm ăn của Tuần Châu Hà Nội, dưới sự điều hành của Tổng Giám đốc Đào Anh Tuấn.

Tính riêng giai đoạn 2016-2019, doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án "Khu du lịch quốc tế Tuần Châu Hà Nội" này chưa từng có lãi. Ở đầu chu kỳ, Tuần Châu Hà Nội lỗ ròng gần 25 tỷ đồng, năm 2017 giảm lỗ còn gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ một năm sau đó, khoản lỗ này tăng mạnh lên 73,1 tỷ đồng và cuối chu kỳ rớt sâu xuống gần 149 tỷ đồng.

Doanh thu xuyên suốt thời điểm này của Tuần Châu Hà Nội cũng khá thất thường, đạt gần 8 tỷ đồng (năm 2017), tăng lên 49,3 tỷ đồng (năm 2018) và giảm còn 21 tỷ đồng (năm 2019).

Do lỗ lũy kế ngày càng chất đống, doanh nghiệp của "chúa đảo" Tuần Châu đã lâm vào cảnh mất vốn chủ sở hữu, cuối năm 2019 chỉ còn 26,1 tỷ đồng trong khi vốn góp là 300 tỷ đồng.

Dù vậy, nợ phải trả vẫn chưa có dấu hiệu tiết giảm, cuối 2019 đứng ở mức 1.238 tỷ đồng (năm 2016 ghi nhận 937 tỷ đồng).

Tương tự, Công ty Jen Tuần Châu cũng thể hiện sự sa sút không hề nhỏ trong kết quả kinh doanh. Từ năm 2016 đến 2019, doanh nghiệp liên tục lỗ ròng, lần lượt ở mức 8,1 tỷ đồng; 5,4 tỷ đồng; 7,6 tỷ đồng và 4 tỷ đồng với doanh thu dùy trì ở con số 0 đồng.

Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cuối 2019 chỉ còn 112,7 tỷ đồng, thấp hơn vốn góp 66,5 tỷ đồng. Jen Tuần Châu cũng sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao, với hệ số D/E (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) là 3,2 lần.

Tại Jen Tuần Châu, con gái "chúa đảo" là bà Đào Thuỵ Phương Thảo (sinh năm 1990) đang giữ vị trí Chủ tịch HĐTV. Cơ cấu cổ đông bao gồm Công ty TNHH MTV Đảo Ngọc (49% vốn) và Công ty Jen Capital Vietnam, một doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở Hồng Kông, sở hữu 51% vốn.

Có phần tươi tắn hơn, đó là T&H Hạ Long của ông Đào Anh Tuấn. Những năm gần đây, tình hình bi quan dần được cải thiện, khoản lỗ lũy kế đã được lấp đầy.

Nếu năm 2016 và 2017 gánh lỗ lên đến 6,7 tỷ đồng thì đến năm 2018, T&H Hạ Long đã đảo chiều có lãi 3 tỷ đồng và tăng vọt lên 51,2 tỷ đồng vào 2019.

Đặc biệt, pháp nhân này cho thấy sự khá gắn kết chặt chẽ giữa Tập đoàn Tuần Châu và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan, phu nhân của nhà tài phiệt Hồng Kông, ông Eric Chu Nap Kee (Chu Lập Cơ).

Cụ thể, tháng 1/2020, "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển đã nhường vị trí chủ tịch HĐQT T&H Hạ Long cho ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh, SN 1974) và đến cuối năm, chiếc ghế này tiếp tục "đảo" qua ông Nguyễn Vũ Anh Thi (SN 1982). Cả hai người này đều là những nhân sự quen tên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bảo Linh 

Cong luan
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục