Chủ hộ của hộ kinh doanh phải đóng BHXH bắt buộc?

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó có đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh

Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc (Điều 3): dự thảo Nghị định đã đề xuất 2 phương án quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh quy định tại điểm m khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH.

Phương án 1:

a) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.

b) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này mà có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.

Phương án 2:

Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có đề nghị tham gia BHXH bắt buộc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cùng với đó, dự thảo cũng đề xuất quy định việc tham gia BHXH bắt buộc trong trường hợp đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH; Quy định đối tượng hưởng trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 của Luật BHXH.

Cụ thể, đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH thì việc tham gia BHXH bắt buộc thực hiện như sau:

a) Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại một trong các điểm b, c, d, đ, e, i, a, l, k, n, h và g khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm b, c, d, đ, e, i, a, l, k hoặc n khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH theo thứ tự đến trước.

b) Đối tượng quy định tại điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH đồng thời thuộc đối tượng quy định tại một trong các điểm b, c, d, đ, e, i, a, l và k khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm b, c, d, đ, e, i, a, l hoặc k khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH theo thứ tự đến trước.

Còn với quy định đối tượng hưởng trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc quy định tại điểm a khoản 7 Điều 2 của Luật BHXH bao gồm: Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, Người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo các quy định của Chính phủ, Người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Điều 23 của Luật BHXH.

Cùng với đó, dự thảo cũng quy định với đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Trước đó, ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024/QH15 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Hoàng Minh

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục