Từ đầu tháng 10, các ngân hàng thương mại đã quyết định giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn ngắn, đưa lãi suất huy động về một mặt bằng mới thấp hơn khá nhiều so với mức trần ngắn hạn (6%/năm).
Thường thì lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo tương ứng. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đồng đã giảm 0,5 - 1,5%/năm so với cuối năm 2013. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm, dư nợ có lãi suất trên 13%/ năm chỉ còn chiếm trên 10% tổng dư nợ cho vay bằng tiền đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng mặt bằng chung của lãi suất cho vay hiện nay (cuối tháng 10) không giảm bao nhiêu so với trước, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vẫn cao, nhất là với các khoản vay trung và dài hạn. Động thái tự cắt giảm lãi suất huy động vừa qua của các ngân hàng thương mại chỉ là cách để nới rộng độ chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay và huy động, nhằm tối đa hóa lợi nhuận mà thôi.
Nhiều chương trình cho vay ưu đãi mà các ngân hàng thương mại đang quảng bá nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực chất ngân hàng vẫn là người nắm đằng chuôi khi mức lãi suất “siêu rẻ” chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó lãi suất được thả nổi. Chưa kể sẽ có những khoản phí “cộng thêm” khiến cho người đi vay cuối cùng phải chịu mức lãi suất không hề rẻ. Với những doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, phải vay theo dạng tín chấp, lãi suất còn cao hơn.
Nhiều người cho rằng đây chính là lý do quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nguồn vốn vay ngân hàng, dù vẫn đang rất cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Và đó cũng là lý do khiến cho tăng trưởng tín dụng dù đã khá khả quan vẫn còn cách mục tiêu (12 - 14%) khá xa, khi năm 2014 chỉ còn hơn hai tháng nữa là kết thúc.
Điều này có thể gây tình trạng “dồn toa” tăng trưởng vào quý cuối của năm, khiến nền kinh tế bị bội thực nguồn vốn. Vấn đề tín dụng tăng trưởng chậm có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân mà các nhà kinh tế đã chỉ ra như tổng cầu toàn xã hội yếu, hàng tồn kho nhiều khiến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, rồi các ngân hàng hiện nay phải thẩm định kỹ các khoản vay để tránh nợ xấu… thì còn có những nguyên nhân từ chính nhu cầu của các doanh nghiệp.
Sau những năm sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay nợ ngân hàng và đã nếm trái đắng khi phải còng lưng trả lãi, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ sử dụng vốn vay khi “chẳng đặng đừng”. Ngoài ra, thay vì gõ cửa ngân hàng, doanh nghiệp có thể “xoay” cách khác, như trả tiền chậm cho người bán, trong cũng như ngoài nước, và đặc biệt là vay bằng ngoại tệ.
Việc Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ tỷ giá giữa USD và tiền đồng ổn định, mức độ điều chỉnh không quá 2% trong năm nay đã đem đến sự an tâm cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng… gây khó khăn cho tăng trưởng tín dụng tiền đồng.
Vì một khi biết rằng sự mất giá của tiền đồng tối đa chỉ là 2% so với USD, các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ tìm cách vay bằng USD, có lợi hơn nhiều so với vay bằng tiền đồng, do tận dụng được mức lãi suất thấp của đồng USD (đặc biệt là ở nước ngoài).
Hình thức vay có thể là vay trực tiếp tại các ngân hàng thương mại nếu để mua hàng nhập khẩu, hoặc vay từ chính đối tác nước ngoài thông qua trả chậm tiền hàng, vay từ công ty mẹ… Vậy nên, việc các doanh nghiệp có vẻ không mặn mà với nguồn vốn vay giá rẻ của các ngân hàng có lẽ không chỉ vì lãi suất còn cao.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn