Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, Chính phủ đã đề xuất giải pháp mạnh hơn trong tái cơ cấu ngân hàng, cụ thể là thí điểm cho phá sản một số ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.
Đây được xem là biện pháp rất cứng rắn của Chính phủ nhằm tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vốn tồn tại nhiều ngân hàng hoạt động yếu kém nói riêng. Biện pháp này ngay lập tức nhân được nhiều ý kiến ủng hộ tích cực để cải thiện chất lượng hệ thống ngân hàng hiện nay. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đảm bảo bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng này đồng thời không để lây lan ảnh hưởng sang các ngân hàng khác.
Vậy nếu tương lai có ngân hàng được thí điểm cho phá sản, Chính phủ sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn nào?.
Theo lời Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích về việc Chính phủ đề xuất giải pháp cho thí điểm phá sản ngân hàng: “Làm như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi Nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi Nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm”.
Như vậy, trong tương lai việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc một ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào khác khó có thể xảy ra. Mà có thể sẽ lập tức cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém đó.
Nhìn lại 3 ngân hàng bị NHNN mua lại bắt buộc là Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB); Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) đều có một điểm chung là lỗ luỹ kế trầm trọng, cùng với đó là vốn chủ sở hữu âm hàng nghìn tỷ đồng và nợ xấu cao ngất ngưởng. Nếu như đề xuất của Chính phủ sớm hơn 1 năm rất có thể đã không có ngân hàng nào được mua lại 0 đồng mà đã chứng kiếm 3 ngân hàng tuyên bố phá sản.
Nếu như đề xuất của Chính phủ sớm hơn, rất có thể trên thị trường đã không tồn tại khái niệm “Ngân hàng 0 đồng”. Ảnh minh hoạ.
Cụ thể với VNCB, ngân hàng đầu tiên bị NHNN buộc phải mua lại toàn bộ cổ phần giá 0 đồng vào tháng 2/2015 sau đổi tên thành CBBank.
Từng bị NHNN xếp vào nhóm 9 ngân hàng yếu kém năm 2012, với khoản lỗ luỹ kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Đến năm 2013, VNCB tiếp tục lâm vào tình cảnh tồi tệ hơn lỗ luỹ kế tới hơn 11.348 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu tới 8.293 tỷ đồng. Thậm chí đến cuối năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB đã âm tới hơn 24.000 tỷ đồng và lỗ luỹ kế tới 27.000 tỷ đồng. Theo đánh giá của đơn vị độc lập EY thì VNCB lúc đó có giá trị thực là âm 80.000 đồng/cổ phiếu.
Tiếp đến là OceanBank, ngân hàng thứ 2 bị NHNN buộc phải mua lại với giá 0 đồng vào tháng 4/2015 này được đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương.
Trước khi bị mua lại giá 0 đồng, OceanBank cũng bị âm vốn điều lệ trầm trọng, nguy cơ ảnh hưởng xấu tới hệ thống. NHNN đã buộc phải mua lại toàn bộ cổ phần của OceanBank, nhằm chủ động trong việc tái cơ cấu ngân hàng, bảo vệ tiền gửi của người dân và tránh ảnh hưởng “độc hại” lan sang các ngân hàng khác.
Cuối cùng đó là GPBank, bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng vào tháng 7/2015.
Trước khi bị mua lại, GPBank có số lỗ luỹ kế lên đến 12.280 tỷ đồng tại thời điểm tháng 4/2015, vốn chủ sở hữu âm hơn 9.195 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của GPBank cao kỷ lục với con số 45,37% tổng dư nợ. Đồng thời, dư nợ cho vay khách hàng tụt dốc chỉ còn vỏn vẹn 6.669 tỷ đồng.
Tại thời điểm hiện tại, dù chưa có ngân hàng nào lỗ luỹ kế lên tới hàng nghìn tỷ đồng cũng như âm vốn chủ sở hữu trầm trọng như 3 cái tên ở trên. Thế nhưng vẫn còn đó tồn tại những ngân hàng hoạt động chưa thật sự hiệu quả.
Theo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2016, thì hiện tại một số tổ chức tín dụng vẫn là nơi tập trung của nợ xấu và lãi dự thu toàn hệ thống. Nợ xấu của 19 tổ chức tín dụng chiếm tới 55,1% tổng nợ xấu toàn hệ thống; lãi dự thu (phần lớn có khả năng biến thành nợ xấu) của riêng 9 tổ chức tín dụng là 61,7% tổng lãi dự thu của toàn hệ thống.
Cũng trong số 9 cái tên ngân hàng yếu kém buộc tái cơ cấu đợt 1, ngoài TPBank tái cấu trúc thành công thì hầu hết còn lại đều đang rất khó khăn như DongABank, Eximbank thậm chí với 3 cái tên ngân hàng 0 đồng dù đã được NHNN mua lại nhưng để khôi phục hoạt động như trước vẫn là điều vô cùng khó khăn.
Và trong tương lai có thể sẽ chứng kiến cái tên ngân hàng đầu tiên tuyên bố phá sản khi mà lỗ luỹ kế ngân hàng lên quá cao dẫn tới âm vốn chủ sở hữu và nợ xấu tăng cao trầm trọng.
Quang Thắng