Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhìn từ các nước

Nước giải khát có đường, đồ uống có đường được coi là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì nên được đưa vào đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này. Trên thế giới cũng đã có nhiều nước thực hiện chính sách này.

Trên 50 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo bài viết của Ths Nguyễn Thị Thùy Duyên (Trường Đại học Y tế Công cộng) đăng trên lapphap.vn, hiện tại, 56 quốc gia/vùng lãnh thổ và 9 bang đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) cho mặt hàng này. Một báo cáo điều tra toàn cầu cũng chỉ ra tỷ lệ các quốc gia có chính sách áp thuế đồ uống có đường đang tăng khá nhanh từ 23% năm 2017 lên 38% năm 2019, chỉ trong vòng 5 năm qua đã có tới hơn 30 quốc gia áp thuế.

Tại châu Âu, hầu hết các quốc gia áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mặt hàng này. Cụ thể: Pháp thu thuế 0,20 EUR/lít cho các sản phẩm có lượng đường trên 11g/100ml; Phần Lan đánh thuế tiêu dùng với đồ uống có đường là 0,22 EUR/lít. Tại Anh, mức thuế suất TTTĐB là 24 xu/lít với đồ uống có trên 8 gram đường/lít; còn ở Hungary, mức thuế tuyệt đối với các sản phẩm này là 0,02 USD/lít.   

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhìn từ các nước - Ảnh 1

Tại châu Mỹ, 22 quốc gia ở Nam Mỹ đã áp dụng TTTĐB cho sản phẩm đồ uống có đường sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu và tiêu thụ ở quốc gia mình. Còn tại Bắc Mỹ, 8 bang của Hoa Kỳ đã sử dụng mức thuế tuyệt đối với thuế suất giao động từ 1 đến 2 xu cho mỗi ounce đồ uống có đường.

Tại Trung Đông, các nước như Ả Rập Saudi, Bahrain hay Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đều áp mức TTTĐB 50% cho mọi ĐUCĐ. Bên cạnh đó, Qatar, Oman, Ả Rập Xê Út còn quy định áp mức thu 100% với đồ uống tăng lực.

Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, rất nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã áp TTTĐB với mặt hàng này. Philippines thu TTTĐB với mức thuế suất tuyệt đối 6 peso/lít. Malaysia áp 0,4 RMO trên mỗi lít ĐUCĐ. Tại Brunei mức thu này là 0,4 BND/lít. Thái Lan hiện đang áp dụng phương thức thuế hỗn hợp, ngoài 14% thuế tỷ lệ theo giá bán lẻ cho mọi đồ uống có đường không bao gồm nước ép trái cây và rau củ thì các sản phẩm đồ uống có đường sẽ phải đóng thuế từ 0.1-5 bath/lít tùy số gram đường/lít sản phẩm.

Theo thông tin từ Ban thư ký ASEAN, các nước trong khu vực đang xem xét áp dụng TTTĐB đối với đồ uống có đường là Myanmar với mức thuế suất dự kiến 5% và Indonesia với mức thuế tuyệt đối dự kiến là 3.000 rupi/lít nước ngọt có ga. Như vậy, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đã và sẽ thực hiện thu TTTĐB đối với mặt hàng đồ uống có đường.

Hiệu quả chính sách thuế tới thừa cân béo phì

Bộ Tài chính dẫn lời WHO, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả hai giới đã tăng 68% trong giai đoạn 2002 - 2016. Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.

Theo đó, giảm đồ uống có đường có thể dự phòng tử vong do góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp, là các yếu tố nguy cơ gây tử vong phổ biến tại các nước có thu nhập thấp và trung bình16,17,18,19. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu cho thấy tổn thất rất lớn về kinh tế - xã hội do bệnh không lây nhiễm gây ra.

WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB: Năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia đến 2021 có ít nhất 50 quốc gia thu thuế TTĐB đối với mặt hàng này. Trong ASEAN có 0620/10 nước đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, kinh nghiệm ở một số quốc gia đã áp dụng cũng cho thấy rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường, đồ uống có đường đã không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

Cụ thể, nhiều nước đã áp dụng nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục gia tăng đều qua các năm như Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia và Brunei.

Chi-lê áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường từ năm 2014 nhưng đến năm 2016-2017 tỷ lệ thừa cân béo phì tại nước này vẫn gia tăng liên tục từ 19,2% lên 30,3% đối với nam giới và từ 30,7% lên 38,4% đối với nữ giới.

Tại Mexico sau 2 năm áp thuế, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Mexico có xu hướng tăng trở lại ở mức 1,6% so với trước thời điểm áp thuế, cho thấy đây là sản phẩm có độ co giãn của cầu thấp, dẫn tới lượng tiêu thụ ít bị tác động bởi yếu tố tăng giá, đồng thời tỷ lệ hừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em nước này vẫn gia tăng liên tục trong giai đoạn 2012 - 2021, nam giới: 69% đã tăng lên 70%; nữ tăng từ 73% lên 75%; trẻ em tăng nhanh nhất từ 35% lên 43%. 

Một số nước đã bãi bỏ chính sách thuế này như Đan Mạch, Nauy vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người dùng trong khi gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội. Các chính phủ tuyên bố bãi bỏ thuế này nhằm tạo việc làm và giúp đỡ nền kinh tế địa phương. Trong khi người Đan Mạch có thể mua các sản phẩm thay thế từ các quốc gia lân cận với giá thành rẻ hơn. 

Cũng theo ông Thành, nhiều quốc gia không sử dụng công cụ thuế trong việc kiểm soát thừa cân, béo phì như Nhật Bản, Singapore hay Đức, New Zealand.

Tại Nhật Bản mặc dù có tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam (116kg/người/ năm) nhưng tỷ lệ béo phì ở quốc gia này chỉ 3,5%. Nhật Bản đã xây dựng hai bộ luật Shuku Iku và Metabo, trong đó quy định quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học và thực hiện các bài giảng về dinh dưỡng cho học sinh. Bộ luật này cũng yêu cầu các công ty phải có thời gian nghỉ giữa giờ để nhân viên tập thể dục, đồng thời khuyến khích nhân viên tham gia hoạt động thể chất sau giờ làm việc.

Chính phủ Singapore tập trung vào các chính sách tăng cường hoạt động thể chất và dinh dưỡng như Chương trình Bữa ăn lành mạnh tại trường học và Thử thách Bước chân Quốc gia.

Đức đang áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, áp đặt các hạn chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng; trong đó các biện pháp về truyền thông và khuyến khích cải cách được ước tính là giúp phòng chống 218 nghìn bệnh không lây nhiễm đến năm 2050.

New Zealand cũng không áp dụng chính sách thuế này. Viện Nghiên cứu kinh tế New Zealand đã thực hiện một báo cáo toàn diện về tác động của thuế đường, trong đó kết luận rằng chính sách thuế đường có tác động yếu trong việc cải thiện sức khỏe. Cụ thể, báo cáo này chỉ ra rằng tác động thuế đường đối với mức giảm lượng tiêu thụ là quá nhỏ để tạo ra lợi ích về sức khỏe, người tiêu dùng có thể tìm kiếm những nguồn tiêu thụ đường hay calorie khác.

Một số hạt, tiểu bang tại Mỹ cũng đã bãi bỏ thuế TTĐB với nước ngọt ban hành trước đó. Chưa đầy một năm kể từ khi thông qua sắc lệnh áp thuế TTĐB với đồ uống có đường, Quận Cook, bang Illinois đã bãi bỏ sắc thuế này. Tháng 6 năm 2018, bang California thậm chí đã thông qua dự luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào thông qua việc áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới.

Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường nhìn từ các nước - Ảnh 2

Tác động chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Theo tổng hợp của ông Thành, các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rất khó xác định việc giảm tiêu thụ hàng hoá là do áp dụng chính sách thuế do khó thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa thay đổi thuế, thay đổi giá và nhu cầu, cũng như sự hiện diện của các yếu tố bên ngoài như chi phí nguyên vật liệu cũng có thể ảnh hưởng đến giá cả và nhu cầu.

Một số nước như Nam Phi, Thái Lan, Anh đã chỉ ra rằng khi áp dụng thuế thì có giảm tỉ lệ sử dụng nước giải khát có đường nhưng cũng có nước như Mexico sau 2 năm áp thuế, lượng tiêu thụ nước giải pháp có xu hướng tăng trở lại ở mức 1,6% so với trước thời điểm áp thuế, cho thấy đây là sản phẩm có độ co giãn của cầu thấp, dẫn tới lượng tiêu thụ ít bị tác động bởi yếu tố tăng giá. Một số bang của Mỹ sau khi áp dụng cũng không giúp giảm tỷ lệ sử dụng nước giải khát có đường vì người dân vẫn có thể mua sản phẩm từ các bang khác hoặc Đan Mạch người dân sẽ mua sản phẩm từ các quốc gia lân cận.

Nghiên cứu tại một số nước châu Âu áp dụng chính sách này đã kết luận sự sụt giảm nhu cầu nói chung nhỏ hơn một cách tương đối so với mức tăng giá, thậm chí như Pháp việc tăng hay sụt giảm thậm chí đã xảy ra trước khi áp dụng chính sách thuế cho nên thuế phản ánh không rõ ràng tác động lên sự thay đổi nhu cầu, đặc biệt là đối với những thực phẩm thực sự có nhu cầu thì không có độ co giãn cung cầu.

Ông Thành dẫn chứng, Đan Mạch trong thời gian áp dụng năm năm 2005 và 2006, không có thay đổi nào về chế độ thuế, nhưng đã có sự gia tăng đáng kể về nhu cầu đối với nước giải khát trong khi nhu cầu đối với nước trái cây dường như không thay đổi trong những năm thuế thay đổi.

Hungary không có thay đổi đáng kể nào về tổng lượng nước tăng lực và đồ uống thể thao bán ra do thuế. Dữ liệu được cung cấp thông qua các cuộc phỏng vấn trong ngành cho thấy mức tiêu thụ nước tăng lực đã giảm 31,4% sau khi áp thuế từ năm 2011 đến năm 2013, nhưng mức tiêu thụ nước tăng lực trước đó cũng đã giảm 38,6% từ năm 2007 đến năm 2011. Do đó, không có thay đổi đáng kể nào lên cầu bởi việc áp dụng chính sách thuế.

Các nghiên cứu thực nghiệm và mô hình từ một số quốc gia châu Âu cho thấy rằng việc giảm tiêu thụ hàng hóa bị đánh thuế thường đi đôi với việc tăng tiêu thụ hàng hóa thay thế. Do thực phẩm không phải là một sản phẩm đơn lẻ mà là một nhóm hàng hóa phức hợp với nhiều sản phẩm thay thế, khiến cho việc dự đoán người tiêu dùng sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng của họ như thế nào để đáp ứng không chỉ với hàng hóa bị đánh thuế, mà đối với cả các hàng hóa khác có liên quan. Hungary, việc tiêu thụ nước tăng lực không quan sát thấy sự bất kỳ sự thay đổi nào về nhu cầu khi áp dụng thuế lên đồ uống.

Ông Vũ Tú Thành cho rằng cần cân nhắc việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường vì tính hiệu quả của chính sách thuế này sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đặc thù của Việt Nam.

Tại đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...

Trong phần góp ý của các Hiệp hội, các chuyên gia, nhiều ý kiến đề nghị không nên áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, đồ uống có đường.

Mới đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu đối với chính sách hoàn thiện quy định về đối tượng chịu thuế đặc biệt, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung thêm cơ sở khoa học và thực tiễn của đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để tăng tính thuyết phục.

Huyền Châu

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục