Chi phí lãi vay tăng mạnh tại nhiều doanh nghiệp

Loạt 'ông lớn' như Xây dựng Hòa Bình, Coteccons, Bamboo Capital, Thế giới Di động,... đang đối mặt với tình trạng chi phí lãi vay tăng mạnh, thậm chí tăng \'sốc\' bằng...

Báo cáo tài chính quý 2/2022 cho thấy khoản mục ‘chi phí lãi vay’ ngốn quá lớn trong chi phí tài chính, khiến nhiều doanh nghiệp khốn khổ do tăng cường vay nợ cộng thêm lãi suất đã tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Mặt bằng lãi suất đi lên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát là một trong những lý do chính khiến chi phí lãi vay của các doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ.

Lãi suất kỳ hạn 6 tháng trên thị trường liên ngân hàng tại ngày cuối quý II năm nay là 4,1%, cao hơn đáng kể so với mức 2,48% của một năm trước đó. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tại ngày 30/6 năm nay là 3,37%, trong khi cùng kỳ 2021 chỉ là 2,17%.

Chi phí lãi vay tăng mạnh tại một số doanh nghiệp
Chi phí lãi vay tăng mạnh tại một số doanh nghiệp

Đơn cử như Bamboo Capital (BCG), tính đến cuối quý 2/2022, tổng nợ đi vay của hơn 14.242 tỷ đồng, giảm 900 tỷ so với quý 1/2022 nhưng tăng nhẹ 4% so với đầu năm, đa số là vay dài hạn. Trong đó dư nợ trái phiếu tính đến cuối kỳ gần 8.800 tỷ đồng, tăng thêm 1/3 so với đầu năm nhưng giảm 200 tỷ so với cuối quý 1/2022.

Do tăng cường vay nợ nên nửa đầu năm nay, Bamboo Capital phải bỏ ra 1.165 tỷ đồng chi phí tài chính, trong đó chi phí lãi vay lên tới 719 tỷ đồng, tăng đến 69% so với cùng kỳ 2021.

Đối với ‘ông lớn’ Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), tính đến cuối quý 2/2022, tổng vay nợ hơn 70.000 tỷ đồng gồm 56.575 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, tăng 29% so với đầu năm và 13.443 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Nợ vay ở mức cao khiến doanh nghiệp ghi nhận lãi vay trong quý 2/2022 tăng 20% so với cùng kỳ, hơn 717 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay tăng 8% lên 1.314 tỷ đồng.

Còn tại CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) ghi nhận chi phí lãi vay nửa đầu năm 2022 tăng tới 76% lên hơn 566,4 tỷ đồng. Tính riêng quý 2/2022, chi phí lãi vay gần 366 tỷ đồng, cao gấp 2,15 lần so với cùng kỳ 2021.

Chi phí lãi vay tăng mạnh tại nhiều doanh nghiệp - Ảnh 1

Một ông lớn trong lĩnh vực xây dựng như Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng đang gặp áp lực lãi vay ‘đè’ nặng.

Tính đến cuối quý 2/2021, tổng nợ vay tại HBC tăng tới 28% so với đầu năm, lên hơn 6.534 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 5.461 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chủ yếu từ các ngân hàng. Nợ vay dài hạn tăng tới 170% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 675 tỷ đồng, lên gần 1.074 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ qua trái phiếu. Dư nợ trái phiếu hơn 982 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 290 tỷ đồng.

Do tăng cường vay nợ khiến chi phí lãi vay tại HBC trong quý 2/2022 tăng tới 88% so với cùng kỳ, lên mức gần 148 tỷ đồng. Còn tính chung 6 tháng đầu năm, lãi vay tại HBC tăng tới 58% lên hơn 237 tỷ đồng. Do lãi vay tăng đột biến khiến lãi sau thuế quý 2/2022 tại doanh nghiệp giảm 14%.

Thậm chí tại CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) do tăng mạnh hoạt động nợ vay khiến chi phí lãi vay tăng \'sốc\' bằng lần.

Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2022, vay nợ của Coteccons tăng đột biến lên gần 528 tỷ đồng, trong khi đầu năm chưa được 2 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp đã huy động nợ từ cả hai kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu.

Đối với kênh tín dụng ngân hàng, Coteccons huy động khoản vay ngắn hạn hơn 922 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Mặt khác, Công ty xây dựng này huy động khoản vay dài hạn gần 530 tỷ đồng cho hoạt động thi công hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.

Đối với kênh phát hành trái phiếu, Coteccons thu về gần 494 tỷ đồng sau đợt phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm. Số tiền này sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh và tăng quy mô vốn hoạt động cho Công ty.

Do tăng cường vay nợ, chi phí lãi vay tại Coteccons trong nửa đầu năm 2022 tăng gấp 31,5 lần so với cùng kỳ, lên 30 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 gần 950 triệu đồng). Chỉ tính riêng quý 2/2022 lãi vay cao gấp 110 lần cùng kỳ, lên 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ có 173 triệu đồng.

Hoàng Long

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục