|
|
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới “lao dốc không phanh” trong những ngày qua. Kim loại quý gặp khó khăn khi các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất để hạ nhiệt áp lực lạm phát đang gia tăng.
Lập trường tích cực của Fed đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm, điều này đã kéo giá vàng xuống một cách dễ dàng để kiểm tra mức hỗ trợ dài hạn ở mức 1.730 USD/ounce.
Vàng vẫn dễ bị bán tháo thậm chí còn lớn hơn khi các thị trường sẵn sàng cho một đợt tăng lãi suất mạnh khác của Fed trong tháng 7 này.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, vàng giao ngay trên sàn Kitco chốt mức 1.742,6 USD/ounce, giảm hơn 60 USD so với tuần trước và là tuần giảm thứ tư liên tiếp. Giao dịch kỳ hạn tháng 8 ở mức 1.740,90 USD/ ounce.
Trong khi vàng bị mắc kẹt giữa rủi ro lạm phát gia tăng và lo ngại ngày càng tăng về suy thoái kinh tế, nó đã quay trở lại lấy tín hiệu từ USD, vốn đã được hưởng lợi từ dòng chảy trú ẩn an toàn so với vàng.
Các nhà phân tích lưu ý rằng, những ngày tới, giá vàng thế giới có thể kiểm tra mốc 1.700 USD/ounce và thậm chí có thể thấp hơn ở 1.650 USD.
Tuy nhiên, chính mức thấp đó có thể là đáy. Đây chính là lúc các nhà đầu tư có thể quay trở lại với vàng, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, dự đoán.
Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji niêm yết như sau: SJC TP.HCM: 67,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,55 triệu đồng/lượng (bán ra); SJC Hà Nội: 67,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,57 triệu đồng/lượng (bán ra); Doji Hà Nội: 67,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,55 triệu đồng/lượng (bán ra); Doji TP.HCM: 67,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,55 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới ở mức rất cao, tới gần 20 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC cũng rất xa. Giá vàng SJC cũng đắt hơn vàng 9999, nữ trang, vàng nhẫn tới mức khó tin. Luôn có sự chênh lệch lớn giá giữa các thương hiệu.
Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất. Và từ thời điểm đó, vàng miếng SJC đã được chọn làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia.
Ở thời điểm nào đó, Nghị định 24 là phù hợp để giải quyết những vấn đề có tính lịch sử, nhưng đến nay, một số quy định đã không còn phù hợp.
Giới chuyên môn nhận định, nguồn cung vàng SJC đang ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu của người dân lại chủ yếu nhắm vào mặt hàng này.
Nếu cơ quan quản lý không có động thái can thiệp, xu hướng nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng.
Nhận định xu hướng
Theo ông Colin Cieszynski, Trưởng chiến lược gia thị trường tại Cty Quản lý tài sản SIA Wealth Management, sang tuần tới, biến động của đồng USD có thể tiếp tục là động lực chính cho thị trường vàng.
Chuyên gia lưu ý một số báo cáo lạm phát quan trọng được công bố vào tuần sau có thể làm thay đổi thị trường, bao gồm lạm phát của Trung Quốc vào cuối tuần cũng như báo cáo lạm phát giá tiêu dùng và sản xuất của Mỹ trong tuần.
Nhà phân tích Suki Cooper của Ngân hàng Standard Charted cho biết, trong khi giá vàng khó tìm được phương hướng cụ thể khi vừa chịu tác động từ rủi ro lạm phát lẫn suy thoái kinh tế ngày một tăng, thị trường đã quay trở lại tìm tín hiệu từ đồng USD - vốn được hưởng lợi từ dòng chảy trú ẩn an toàn hơn so với vàng.
Chuyên gia này cũng đánh giá vàng còn dễ bị tác động bởi giá sàn yếu hơn trong bối cảnh nhu cầu yếu theo mùa. Trong giai đoạn tới, vàng có thể đối mặt một mốc hỗ trợ quan trọng là 1.690 USD/ounce.
Ông Carsten Menke, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Next Generation Research tại Ngân hàng Julius Baer cho biết trong ngắn hạn, giá vàng dự kiến vẫn được nỗi lo về rủi ro suy thoái hỗ trợ. Sau đợt điều chỉnh gần đây, ông nhận định giá kim loại quý này sẽ được củng cố.
Pháp Luật và Xã hội
In bài viết