Chênh lệch giá vàng càng cao, buôn lậu vàng càng mạnh mẽ

Điểm lại các vụ buôn lậu vàng bị phát hiện, dường như năm nào cũng có và điều đáng chú ý là mỗi khi chênh lệch giá vàng nội, ngoại càng lên cao thì các vụ buôn lậu vàng được phát hiện nhiều hơn.

Buôn lậu vàng: siêu lợi nhuận

Những ngày đầu tháng 11/2014, khi giá vàng trong nước đứng cao hơn giá vàng thế giới tới hơn 5 triệu đồng/lượng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy PC 47 Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ một vụ buôn lậu vàng lớn. Hai đối tượng Nguyễn Trọng Bằng và Trần Ngọc Tình đã sang tỉnh U Đom Xay (Lào) mua số vàng có tổng trọng lượng là 15kg vàng, trị giá 16 tỷ đồng về bán trong nước. Trên đường vận chuyển, hai đối tượng đã bị bắt giữ, với tang vật gồm 15kg vàng thỏi. Trước đó, vào cuối tháng 5/2014, Công an TP Đà Nẵng cũng bắt giữ 2 nghi phạm cùng 11 thỏi vàng khối, trị giá 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác điều tra đường dây buôn lậu vàng xuyên quốc gia…

Điểm lại các vụ buôn lậu vàng bị phát hiện, dường như năm nào cũng có và điều đáng chú ý là mỗi khi chênh lệch giá vàng nội, ngoại càng lên cao thì các vụ buôn lậu vàng được phát hiện nhiều hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu so với thực tế, số lượng các vụ buôn lậu vàng bị phát hiện và bắt giữ chỉ là một phần rất nhỏ. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng: Đặc điểm đường biên giới của Việt Nam rất dễ tạo cho những kẻ buôn lậu hoạt động.

Tuy nhiên, theo ông Trúc, yếu tố quan trọng nhất đó là hiện nay, chênh lệch vàng nội, ngoại quá lớn. Đây là lý do rõ ràng nhất, bởi một miếng vàng chỉ cần chênh 1 triệu thôi thì nếu buôn lậu trót lọt 1 miếng vàng khối lượng bằng bao thuốc lá, tương đương 26,6 lượng, lợi nhuận là gần 30 triệu đồng. Một người đi qua biên giới, quấn quanh người giống như băng đạn, ít nhất cũng khoảng 20 miếng. Tính ra, số tiền họ có được nhờ buôn lậu mỗi lần như thế cũng lên tới 600 triệu đồng. Hơn nữa, hiện nay, giá vàng đang chênh tới 4-5 triệu đồng/lượng thì lợi nhận còn “khủng” hơn nữa.

Đồng quan điểm về tình trạng buôn lậu vàng đang rất “nóng”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chênh lệch giá vàng cao ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn tới gia tăng vàng lậu. Phân tích sâu hơn, ông Hiếu còn cho rằng nạn buôn lậu vàng là một trong những nguyên nhân đẩy tỷ giá dâng cao thời gian qua, do giới buôn lậu gom USD để mua vàng. Thực tế, không phải chỉ các chuyên gia kinh tế trong nước mà ngay cả Trưởng văn phòng đại diện IMF ở Việt Nam cũng cho rằng chênh lệch giá vàng cao khiến nhiều người có xu hướng mua vàng nước ngoài về bán cho thị trường trong nước.

Cần kéo giá vàng trong nước về sát giá thế giới

Cho rằng câu chuyện vàng lậu là chuyện muôn thuở, ông Nguyễn Thanh Trúc dẫn từ cách đây hơn chục năm, Hội đồng Vàng thế giới thống kê năm 2003, Việt Nam tiêu thụ gần 60 tấn vàng, nhưng chỉ có 10 tấn được nhập chính thức, còn lại là nhập lậu. Và dù thực tế hiện nay, số vụ buôn lậu vàng bị phát hiện không nhiều, nhưng Hội đồng Vàng thế giới từ nhiều năm qua vẫn công bố Việt Nam là nước tiêu thụ nhiều vàng lậu.

Thế nhưng, trong nhiều diễn đàn, khi lên tiếng về thành công của việc siết chặt quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều cho rằng một trong những kết quả đạt được đó là tình trạng buôn lậu vàng đã giảm. Song, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng “ép” chuyện vàng lậu giảm khi giá vàng trong nước và thế giới chênh tới 4-5 triệu đồng/lượng là điều khó tin. Bên cạnh đó, lý do khiến vàng lậu dễ hoành hành là do vàng nguyên liệu đang bị hạn chế nhập khẩu dẫn đến khan hiếm nguồn, các doanh nghiệp cần vàng sẽ phải mua cả vàng trôi nổi trên thị trường nên vàng lậu có đất tiêu thụ.

Hơn nữa, việc áp thuế nhập khẩu cũng khiến cho giá vàng nhập chính thức kém hấp dẫn hơn so với hàng lậu. Ngoài ra, một đặc điểm nữa là vàng lậu vẫn thắng thế do lợi thế “nhất cự ly, nhì tốc độ”. Khi có nhu cầu, vàng lậu từ biên giới về TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ ngay trong ngày, thậm chí trong buổi, từ đó tỏa đi các nơi. Trong khi đó, các doanh nghiệp nếu được nhập vàng chính thức cũng phải mất khoảng ba ngày để đưa vàng về bằng đường hàng không...

Trước những khó khăn trong công cuộc chống vàng lậu, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để giảm thiểu buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ, cần thu hẹp chênh lệch giá vàng xuống khoảng 1 triệu đồng/lượng. Và để làm được điều này, Chính phủ nên xem xét việc thành lập sàn vàng quốc gia. Trong khi đó, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam bổ sung thêm ý kiến rằng NHNN nên cho phép các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu từ nước ngoài, thay vì mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường hiện nay.

Ngày 22/11, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 35,38 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,42 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều thứ 6, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 40.000 đồng/lượng. Thấp hơn ở giá mua nhưng lại cao hơn ở giá bán, tại thị trường TP Hồ Chí Minh, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 35,33 triệu đồng/lượng và 35,45 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, cao hơn 60.000 đồng/lượng so với phiên liền trước. Như vậy, liên tục mấy ngày trở lại đây, giá vàng trong nước tăng chậm nhờ lực hỗ trợ từ thị trường vàng thế giới. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng được gần 100.000 đồng/lượng và hiện đang ở mức cao nhất kể ngày 30/10.

Theo Báo Công An Nhân Dân

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục