Chênh lãi suất lớn nhưng nhiều ngân hàng vẫn than “lỗ”

Chi phí đầu vào giảm, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ở mức khá cao, nhưng nhiều ngân hàng lại có lợi nhuận giảm.

Lãi biên xấp xỉ 4%

Theo tìm hiểu của ĐTCK, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của không ít ngân hàng đạt 4 - 4,5%/năm. Chẳng hạn, tại ACB, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, mức lãi suất huy động bình quân là 5,74% và cho vay ra 9,79%; biên lợi nhuận ACB thu về đạt hơn 4%. Biên lợi nhuận ở Sacombank khoảng 4%, Eximbank 3,5 - 4%, DongA Bank 3 - 4%, Vietcombank 2,5 - 3%.

Trước khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm kể từ ngày 29/10, lãi suất huy động phổ biến của các ngân hàng đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng là 5 - 6%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6 - 7,1%/năm, trên 12 tháng là 7,2 - 7,5%/năm.

Lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 8%/năm đối với ngắn hạn, 10 - 12% đối với trung và dài hạn; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường từ 9,5 - 10%/năm đối với ngắn hạn, từ 11 -12%/năm đối với trung và dài hạn.

Phó tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Đình Tuệ cho biết, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu và các khách hàng tốt hiện được Ngân hàng áp dụng ở mức 7-8%/năm. Với khách hàng cá nhân, vay vốn mua nhà cũng như tiểu thương và vay tiêu dùng trung, dài hạn, lãi suất trên dưới 11%/năm. Dư nợ tín dụng khối khách hàng cá nhân chiếm trên 50% tổng dư nợ của Sacombank.

Thực tế, lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện vẫn được các ngân hàng áp dụng phổ biến trong khoảng 12 - 14%/năm. Mức 8 - 9%/năm chỉ ưu đãi trong 3 tháng đầu, sau đó lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh tăng.

Với khối khách hàng doanh nghiệp, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho hay, từ lâu, các ngân hàng đã phải cạnh tranh để giành được khách hàng tốt, song không dễ cho vay. Tín dụng khó tăng, trong khi nợ xấu vẫn là mối lo lớn, khách hàng tốt lại không có nhu cầu sử dụng vốn vay thời điểm này, dù chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay của OCB hiện chỉ còn 2,1 - 2,5%.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA), ông Nguyễn Phước Hưng cho rằng, ngoài yếu tố sức mua yếu thì lãi suất vẫn là rào cản chính đối với doanh nghiệp. Lãi suất cho vay 6 - 7%/năm chỉ được các ngân hàng dành cho một vài doanh nghiệp tốt. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất từ 10%/năm trở lên.

… nhưng lợi nhuận giảm

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn tại TP. HCM chia sẻ, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện tại hầu như chỉ đủ để Ngân hàng trang trải chi phí, trích dự phòng rủi ro, chứ khó có thể kỳ vọng lợi nhuận. Mục tiêu lợi nhuận gần 2.000 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng mà Ngân hàng đặt ra cho năm nay nhiều khả năng chỉ có thể hoàn thành được hơn nửa, vì nợ xấu tăng, đòi hỏi khoản dự phòng lớn. 10 tháng đầu năm, dự phòng rủi ro của Ngân hàng tăng trên 50%.

"Trần lãi suất huy động là 5,5%/năm, nhưng với kỳ hạn dài, ngân hàng phải trả lãi suất cao hơn nhiều. Ngoài chi phí huy động, ngân hàng còn phải trả lương, thưởng, trích khấu hao, trích dự phòng rủi ro thêm khoảng 1 - 1,5%, rồi cổ tức trả cho cổ đông. Như vậy, cho vay với lãi suất 8 - 10%/năm thì hoạt động tín dụng ngân hàng chỉ còn lại 0,5 - 1% lợi nhuận, thậm chí hòa vốn", vị chủ tịch ngân hàng trên nói.

Kết quả kinh doanh quý III/2014 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, bức tranh lợi nhuận không mấy sáng sủa, trừ một số ngân hàng có bề dày kinh nghiệm về bán lẻ. Chẳng hạn, DongA Bank lỗ 76 tỷ đồng trong quý III, lũy kế 9 tháng đầu năm lãi sau thuế 149 tỷ đồng (lãi trước thuế là 220 tỷ đồng), chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này giảm 41,4%, trích lập dự phòng rủi ro 339 tỷ đồng do nợ xấu tăng, dù tín dụng tăng trưởng âm 0,54%.

Tính đến cuối tháng 9/2014, ACB đạt tăng trưởng tín dụng 7,12%, với dư nợ cho vay khách hàng 113.163 tỷ đồng, song trong quý III, ACB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 340 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế là 264 tỷ đồng, giảm 34%. Lũy kế 9 tháng, ACB đạt 1.071 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 837 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 27,6% và 25,1% so cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm là 2.714 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 là 3,07%.

Dự phòng rủi ro là một hạng mục đáng lưu ý trong báo cáo tài chính của ABBank quý III/2014, với khoản dự phòng quý này là 108 tỷ đồng, gấp 18 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, dự phòng rủi ro của ABBank là 216 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý III/2014 của ABBank chỉ còn 48 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 43 tỷ đồng, giảm lần lượt 37,7% và 17% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ABBank giảm 29,7% xuống 222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 34%, còn 116 tỷ đồng.

Chỉ một số ít ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng như Sacombank đạt 1.879 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái; tín dụng tăng 12,6%, dư nợ cho vay đạt 124.475 tỷ đồng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, các ngân hàng cần cố gắng giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay phổ biến 3,5 - 4% hiện nay xuống còn 2,5 - 3% để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay.

Theo ĐTCK

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục