CNBC đưa tin, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc mới đây đã phải lên tiếng thúc giục Bắc Kinh thực hiện lời hứa mở cửa thị trường.
Châu Âu thúc giục Trung Quốc mở cửa thị trường. Ảnh: Reuters
Ông Mats Harborn, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc nói: "Chúng tôi không biết liệu Trung Quốc có thực hiện những lời hứa của họ hay không. Là người kinh doanh, chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh ngày hôm nay, chúng tôi không thể xây dựng kế hoạch tương lai của chúng tôi chỉ dựa trên những giấc mơ”.
Một báo cáo gần đây của Phòng thương mại EU cho hay, khoảng 54% các công ty châu Âu cho biết họ nhận thức rằng họ đang bị đối xử tệ hơn các công ty trong nước. Báo cáo này dựa trên các quan sát và khuyến nghị của hơn 1600 công ty thành viên của phòng, ủng hộ tiếp tục hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu.
Các công ty nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về một sân chơi không bình đẳng và quy định điều tiết môi trường kinh doanh không rõ ràng mỗi khi nhắc đến Trung Quốc. Khoảng 54% công ty châu Âu cho biết họ nhận thức được đang bị đối xử thiếu công bằng so với các công ty trong nước của Đại lục.
Phòng thương mại EU cảnh báo: “Nếu Trung Quốc không muốn cung cấp khả năng tiếp cận thị trường của họ, thì không thể có trường hợp họ sẽ tiếp tục được phép tận hưởng ưu đãi mà không bị cản trở ở châu Âu. Cách tiếp cận tự do, sáp nhập và mua lại sẽ chỉ có hiệu quả nếu tất cả các bên đều tiến tới bình đẳng và loại bỏ các rào cản”.
Hiện nay, các công ty nước ngoài thường phải tìm kiếm một đối tác địa phương ở Trung Quốc để hợp tác để có thể kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một hạn chế mà họ lo ngại có thể khiến họ bị đánh cắp sở hữu trí tuệ hoặc bí mật thương mại.
Lượng tiền đầu tư của hai bên hiện đang chảy theo hai hướng khác nhau. Đầu tư của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) vẫn ổn định ở mức 10,4 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, trong khi đó đầu tư của EU vào Trung Quốc giảm 23% xuống còn 3,7 tỷ USD cùng kỳ.
Phương Anh