Chậm tiến độ, “siêu” dự án của HUD ở Hưng Yên bị thu hồi

Do không đảm bảo tiến độ, dự án Phân khu B, khu đô thị phía Bắc quốc lộ 5, đô thị mới Phố Nối của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) vừa có thông báo thu hồi.

UBND tỉnh Hưng Yên vừa có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dựng dự thảo văn bản của UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng về việc dừng triển khai thực hiện Dự án Phân khu B, khu đô thị phía Bắc quốc lộ 5, đô thị mới Phố Nối của Tổng Công ty HUD. Đồng thời, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo UBND tỉnh trước ngày 16/11/2018.

Dự án Phân khu B, khu đô thị phía Bắc QL5 - Đô thị mới Phố Nối do Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 vào ngày 19/10/2004.

Tháng 11/2005, UBND tỉnh có văn bản giao Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà số 2 (đơn vị thành viên của HUD) làm chủ đầu tư dự án lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Đến tháng 7/2006, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục có văn bản chấp thuận cho Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư dự án lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 phân khu B, khu đô thị phía Bắc quốc lộ 5, khu đô thị mới Phố Nối thay thế chủ đầu tư cũ là Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà số 2.

Chậm tiến độ, “siêu” dự án của HUD ở Hưng Yên bị thu hồi - Ảnh 1
Phối cảnh Dự án Phân khu A, khu đô thị phía Bắc QL5 – Đô thị mới Phố Nối.

Sau 5 năm, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Phân khu B, Khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5, khu đô thị mới Phố Nối trên địa bàn huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên vào tháng 11/2011.

Sau đó, ngày 28/8/2012, UBND tỉnh có văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án phân khu B, khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 5, Đô thị mới Phố Nối.

Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên thời điểm đó việc triển khai thực hiện dự án rất chậm. Công ty chưa nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, không có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai thực hiện dự án cũng như lập kế hoạch chi tiết các công việc triển khai tiếp theo.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét về năng lực tài chính, tính khả thi của dự án cũng như khả năng triển khai dự án của HUD.

Về Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), sau khi kết thúc thí điểm mô hình Tập đoàn năm 2012, năm 2013, HUD quay lại mô hình Tổng Công ty với tên gọi cũ. Nhưng từ đó đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của HUD ngày càng "bết bát".

Cụ thể, năm 2011, doanh thu đạt 2.373 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 256 tỷ đồng. Đến năm 2012, doanh thu giảm còn 2.056 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế sụt giảm gần một nửa, còn 150 tỷ đồng.

Năm 2013, doanh thu sụt giảm mạnh, xuống còn 1.320 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế bốc hơi hơn 2/3, chỉ còn 56 tỷ đồng mặc dù có tăng nhẹ trong năm 2014 nhưng không đáng kể.

Chậm tiến độ, “siêu” dự án của HUD ở Hưng Yên bị thu hồi - Ảnh 2
Do áp lực thu hồi vốn, HUD đã phải xin chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower.

Điều đáng nói, lợi nhuận các năm từ 2013 đến 2016 của HUD chủ yếu là thu cổ tức của các công ty thành viên. 

Ví như năm 2012 thu cổ tức từ các công ty con là 73,6 tỷ đồng, năm 2013 là 113,6 tỷ đồng, năm 2014 là 143,7 tỷ đồng, năm 2015 là 70,6 tỷ đồng, năm 2016 là 64 tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, những năm qua, công ty mẹ tổng công ty HUD làm ăn kém hiệu quả hay nói đúng ra là không có lợi nhuận.

Những năm gần đây, HUD luôn rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính nên HĐTV đã có nghị quyết trả lại nhiều dự án, như: dự án Chánh Mỹ - Bình Dương, dự án Đô thị trung tâm thành phố Cà Mau, Khu đô thị Vân Phong, Khu đô thị Hòn Ngang - Khánh Hòa...

Bên cạnh đó, nhiều dự án nằm ở vị trí đắc địa thuộc địa bàn Hà Nội và TP HCM, Đà Nẵng đều chuyển nhượng 1 phần dự án cho nhà đầu tư thứ phát với giá rẻ mà không đầu tư xây dựng nhà để bán cho người dân nên lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án đạt thấp chỉ từ 3-5%.

Đặc biệt, vào tháng 5/2018 vừa qua, trước nhu cầu của khách hàng cũng như áp lực thu hồi vốn, HUD đã có văn bản xin chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower – cũng là trụ sở với giá trị nghìn tỷ của doanh nghiệp này.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã chấp thuận với phương án này với điều kiện đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật.

Hải Lan

Theo SHTT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục