Câu chuyện “Nhập ô tô: Giữ hay bỏ Thông tư 20"
Thông tư 20/2011/TT-BCT về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô hết hiệu lực vào 1/7/2016. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến trái chiều trong việc giữ và nâng cấp Thông tư 20 hay bãi bỏ hẳn.
Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ 1/7/2016. Ảnh minh họa
Trong khi Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về tác động tiêu cực tới quyền lợi của người tiêu dùng nếu Chính phủ chưa có biện pháp ban hành nghị định thay thế thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa… lại ủng hộ phương án bãi bỏ Thông tư 20.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, câu chuyện về Thông tư 20 bắt đầu một tư tưởng thể hiện rõ ràng về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 là làm thế nào để “cởi trói” cho hoạt động kinh doanh. Nhà nước sẽ điều chỉnh như thế nào để thị trường không méo mó.
Dưới quan điểm của nhà kinh doanh xe ô tô, ông Nguyễn Đức Dư Khương, Giám đốc chi nhánh Porsche Hà Nội cho rằng, đứng trên quan điểm của người dân thì họ có quyền lựa chọn xe rẻ hơn.
Vậy, khi bãi bỏ Thông tư 20, giá xe nhập khẩu có rẻ hơn và chính sách khai thuế tại hải quan sẽ được thực hiện như thế nào? Bởi doanh nghiệp này muốn trực tiếp nhập khẩu xe chính hãng tại Đức, nhưng một số nhà nhập khẩu khác khi nhập khẩu về lại có giá cạnh tranh hơn.
Do đó, không hẳn Thông tư 20 mang tính bảo hộ. Tất cả các nhà sản xuất đều muốn bán xe nhiều hơn nên họ cũng có thể ký đại lý với nhiều công ty trong nước khác nhau. Trên thực tế cũng có nhiều hãng xe như vậy nên các nhà nhập khẩu trong nước cũng có thể tham gia.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội nêu vấn đề, nên xét trên quan điểm quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước và các bên.
Nếu có Thông tư 20, giá xe được niêm yết rõ ràng, khách hàng không phải lo giá xe bị biến động theo thị trường và hoá đơn đầy đủ. Trong khi đó, Nhà nước quản lý tốt hơn, hạn chế thất thoát thuế. Còn với doanh nghiệp, các xe hiện đại cần rất nhiều thiết bị dụng cụ hỗ trợ, bảo hành sửa chữa, mà chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng mới làm đủ tiêu chuẩn.
Tổng cục Hải quan: Cần nhiều giải pháp hơn
Ông Ngô Minh Hải-Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) đưa ra con số thống kê, kể từ khi thông tư 20 có hiệu lực năm 2011, số lượng xe ôtô nhập khẩu từ 9 chỗ ngồi trở xuống về Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm đầu nhưng hiện đang tăng khá nhanh.
Cụ thể, năm 2011, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam khoảng 28.000 xe, trong 2 năm tiếp theo, con số này là khoảng 11.000 xe và 12.000 xe. Tuy nhiên, theo ông, tới năm 2013, số liệu thống kê đã tăng lên tới 29.000 xe, năm 2015 thậm chí còn tăng hơn nữa với khoảng 49.000 xe.
Với yêu cầu trong thông tư đòi các thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, ông Hải cho rằng, đây là "cả vấn đề" với người kinh doanh. Tuy vậy, đây cũng là điều kiện theo ông để người dùng có thể có được sự chăm sóc, bảo hành sản phẩm tốt.
Một vấn đề gây tranh cãi về thông tư thời gian gần đây là gian lận thương mại nếu bỏ thông tư 20. Một số ý kiến trước đó cho rằng, nếu không nhập chính hãng, các đơn vị kinh doanh có thể khai giá thấp so với giá thực tế để "né" thuế. Đây là vấn đề cũng được đại diện ngành hải quan không loại trừ.
Tổng cục Hải quan cho rằng, xét về lâu dài, việc áp dụng những quy định tại Thông tư 20 đã không thực sự góp phần kiềm chế nhập siêu và sẽ dễ xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và một số doanh nghiệp lớn độc quyền phân phối sản phẩm ô tô, làm giảm tính cạnh tranh, mất công bằng trong hoạt động kinh doanh mặt hàng này.
Điều này không phù hợp với tinh thần tinh thần của Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP (ngày 16/5/2016) về việc bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.
Để thị trường không méo mó
Câu chuyện về Thông tư 20 bắt đầu một tư tưởng thể hiện rõ ràng về Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014: Làm thế nào để cởi trói cho hoạt động kinh doanh? Nhà nước điều chỉnh như thế nào để thị trường không méo mó? Quyết định cuối cùng về duy trì hay bãi bỏ Thông tư 20 vẫn đang chờ Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng.
Thông tư 20/2011/TT-BCT yêu cầu thương nhân nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó. Thương nhân cũng phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Thông tư áp dụng từ năm 2011 và chính thức hết hiệu lực vào 1/7/2016. |
Thu Trang (TH theo TTXVN, VTV, Thời báo TCVN)