Ngày 12/10, anh Doãn Tất Phong (quận 8, TP.HCM) chia sẻ trên báo Tuổi trẻ việc mình bị dính bẫy khi tin vào video sử dụng hình ảnh ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng) để kêu gọi đầu tư.
Anh Phong kể, hôm qua trong lúc vào Youtube để giải trí, tình cờ thấy đoạn video có ông Phạm Thanh Hưng (Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản thế kỷ CEN Invest) quảng cáo về một hình thức đầu tư tài chính hấp dẫn. Sau khi xem quảng cáo, anh Phong hiểu rằng bên phía kêu gọi đầu tư sẽ lấy tiền của mình rồi mang đi đầu tư sinh lời
Cảm thấy hứng thú, anh bấm vào đường dẫn ngay dưới video quảng cáo trên YouTube, sau đó được chuyển về trang fanpage trên nền tảng Facebook với tên gọi "Shark Hưng - Phương Pháp Đầu Tư Hiệu Quả Tại Nhà".
Ngay lập tức, có người trực trang fanpage giới thiệu: "Công ty bên em là Tập đoàn Nasdaq đầu tư chứng khoán quốc tế liên kết Việt Nam, hoạt động chủ yếu dựa trên tỷ lệ lên - xuống theo giá vàng". Đồng thời cho biết nhiệm vụ của bên chuyên gia là phân tích dữ liệu, báo lại cho hội viên đúng thời điểm để có kết quả chính sách, đạt được lợi nhuận cao.
Về vai trò của Shark Hưng, phía bên kia nói rằng Shark Hưng là cổ đông đại diện bên công ty đề ra chiến lược đầu tư và phân bổ các chuyên gia hỗ trợ cho hội viên.
Sau đó người này hướng dẫn anh Phong bấm vào một trang web cũng có biểu tượng của sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), điền thông tin cá nhân để mở tài khoản. Tiếp đến là bước nạp vốn vào.
Theo hướng dẫn, anh Phong chuyển 300.000 đồng vào số tài khoản của một người tên là Đ.T.X.. Đây là số vốn tối thiểu để "vừa trải nghiệm giao dịch để học mua lệnh trên sàn đầu tư, vừa có lợi nhuận rút về tài khoản ngân hàng và có bảo hiểm vốn 100% khi tham gia đầu tư".
Tuy nhiên, ngay khi anh gửi ảnh chứng minh đã chuyển tiền, thì người tư vấn lại khẳng định chưa nhận được, đề nghị anh gửi biến động số dư để họ kiểm tra. Cảm thấy bất thường, anh Phong nhắn lại: "Tính lừa đảo à". Sau khi anh nói sẽ báo công an, bên kia lại trả lời: "Nếu bên em sai em sẽ chịu, không việc gì em phải lo lắng cả. Vì khi anh trình báo, anh cũng cần phải cung cấp đầy đủ thông tin".
Tuy nhiên, một lúc sau người tư vấn lại chuyển sang cách nói nhẹ nhàng hơn, "xin lỗi vì nếu như có gì sai với anh". Sợ tiếp tục bị sa vào bẫy lừa đảo, nên anh Phong đã dừng lại, đồng thời phản ánh với báo chí để nhiều người cảnh giác.
Liên quan vụ việc, phía ông Phạm Thanh Hưng cho biết đang có rất nhiều trang giả mạo để kêu gọi người dân góp tiền nhận hoa hồng. Vì vậy kêu gọi mọi người báo cáo vi phạm (report) đối với các kênh/hình ảnh xuyên tạc nội dung ông Hưng chia sẻ.
Theo báo Công Thương, bên cạnh Shark Hưng, hàng loạt các clip liên quan về đầu tư tài chính cũng sử dụng hình của các Shark trong chương trình Shark Tank Việt Nam như Shark Linh (Thái Vân Linh), Shark Bình (Nguyễn Hòa Bình)... để "lùa gà".
Các đối tượng đã sử dụng thủ thuật cắt ghép các đoạn video trao đổi kiến thức, kinh nghiệm của các shark để đem chạy quảng cáo Facebook. Bằng hình thức "lập lờ đán lận con đen" này, nhiều người không am hiểu về công nghệ, cả tin sẽ dễ dàng bị các đối tượng dụ dỗ vào đầu tư các sản phẩm tài chính như: Tiền ảo, forex, thậm chí là các app đầu tư lừa đảo...
Trước tình trạng trên, theo các chuyên gia tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư cần thận trọng trước những quảng cáo mời gọi đầu tư tài chính qua mạng. Đặc biệt phải cẩn thận với những app đầu tư, website kêu gọi đầu tư không rõ tên công ty hay mập mờ về địa chỉ.
Bên cạnh đó, cũng phải cẩn trọng với loại hình kêu gọi hợp tác đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng ký quỹ các sản phẩm tài chính như: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh... với lãi suất cao bất thường.
Quan trọng nhất, nhà đầu tư cần tự trang bị kiến thức, tìm hiểu kỹ về các thủ tục pháp lý xem công ty đó có được cơ quan chức năng cấp phép hay không rồi mới quyết định đầu tư.