Chiêu trò vờ hỏi mua đất sau đó đánh tráo Sổ đỏ để lừa bán đất cho người khác không phải là thủ đoạn lừa đảo mới, tuy nhiên thời gian gần đây lại “nóng” trở lại. Số tiền mà các đối tượng lừa đảo này chiếm đoạt được lên đến vài tỷ đồng.
Cụ thể, các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, lên mạng thu thập thông tin cá nhân, Sổ đỏ của những người đang có nhu cầu bán đất rồi sử dụng nhiều số điện thoại, tên giả để liên hệ chủ nhà đất và đến xem nhà, đất với vai trò là người mua.
Lợi dụng sơ hở của chủ đất, chúng đánh tráo sổ thật bằng sổ giả đã được chuẩn bị từ trước rồi làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá rẻ hơn thị trường.
Thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi, các loại giấy tờ giả chúng sử dụng đều giống thật từ màu sắc, cỡ chữ cho đến con dấu... để nhằm qua mặt Văn phòng công chứng. Sau khi phạm tội, các đối tượng này thường vứt bỏ số điện thoại, khóa các tài khoản trên mạng xã hội mà chúng đã dùng để liên lạc với nạn nhân.
Vào tháng 5/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 11 bị cáo trong đường dây đánh tráo "sổ đỏ" lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng do Vũ Quý Lãm (sinh năm 1986; ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cầm đầu.
Theo cáo trạng thông qua các trang web mua, bán bất động sản, Vũ Quý Lãm (hiện bỏ trốn) tìm hiểu thông tin về chủ đất rồi liên hệ, giả là người mua đất. Đối tượng lấy tên giả là Hoàng, yêu cầu chủ nhà chụp ảnh “sổ đỏ”. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Vũ Quý Lãm đánh tráo “sổ đỏ”, thực hiện màn lừa tinh vi. Có trong tay thông tin “sổ đỏ” thật, Lãm phân công đồng bọn làm giả giấy tờ tùy thân của chủ nhà, giả danh chủ nhà ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tiền... Bằng thủ đoạn nêu trên, các đối tượng đã thực hiện 11 vụ chiếm đoạt tiền.
Trong các nạn nhân có vợ chồng anh Lý Văn V (sinh năm 1980; ở quận Long Biên, Hà Nội) bị chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng khi mua nhà đất của ông Lê Đức L (sinh năm 1959; ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). Cụ thể, khoảng đầu tháng 7-2019, ông Lê Đức L nhờ người rao bán thửa đất tại khu hồ Cầu Đuống, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) trên mạng internet.
Nhóm của Lãm dò hỏi và lấy được thông tin liên quan đến thửa đất này rồi làm giả “sổ đỏ” mang tên ông L. Cụ thể, các đối tượng hẹn chủ đất đến quán cà phê để nói chuyện. Tại đây, đại diện của ông L cho nhóm Lãm xem "sổ đỏ". Lợi dụng lúc người này sơ hở, các đối tượng đã đánh tráo sổ giả để lấy sổ thật.
Thời gian sau, nhóm của Lãm thuê Đinh Đức Hiệp, giả danh là ông L để làm các giấy tờ tùy thân gồm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu giả. Cùng lúc này, do có nhu cầu mua đất nên vợ chồng anh V đã liên hệ với nhóm của Lãm để hỏi mua đất. Hai bên thỏa thuận, giá bán đất là 3,2 tỷ đồng.
Theo hướng dẫn của Lãm, Hiệp giả danh ông L đến nhà anh V ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Vợ chồng anh V đã thanh toán đủ số tiền trên cho nhóm của Lãm.
Đến ngày 3/1/2020, vợ chồng anh V mang “sổ đỏ” đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Gia Lâm làm thủ tục sang tên thì mới biết nhà ông L có đơn đề nghị tạm thời ngừng giao dịch thửa đất trên.
Cũng với thủ đoạn tương tự, ổ nhóm tội phạm này còn mang "sổ đỏ" thế chấp, chiếm đoạt tiền tỷ của Ngân hàng VPBank... Tổng số tiền các bị cáo đã chiếm đoạt của các nạn nhân và ngân hàng là gần 23 tỷ đồng.
Vụ việc trên không phải là hy hữu, cách đây không lâu, công an thành phố Cần Thơ cũng đã khởi tố băng nhóm “cò đất” chuyên làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của nhóm này là tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà từ nhiều nguồn khác nhau như môi giới, rao bán trên mạng, niêm yết tại sàn bất động sản… để xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất photo rồi mang đi làm giả.
Các đối tượng sau đó lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi để liên hệ gặp chủ đất xem vị trí thửa đất, nhà và sổ đỏ bản chính để đặt cọc. Khi chủ đất sơ hở, nhóm sẽ đánh tráo giấy giả được làm trước đó với giấy thật. Khi có sổ đỏ thật, nhóm này tiếp tục thuê người đóng giả chủ đất và làm giả giấy tờ tùy thân để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá trị thấp hơn giá thị trường. Do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy thật nên Văn phòng công chứng và Cơ quan tài nguyên và môi trường không phát hiện. Khi chủ sở hữu phát hiện thì nhóm này đã mua bán, chuyển nhượng, cầm cố tài sản qua nhiều người. Qua đấu tranh, nhóm tội phạm trên đã thực hiện 7 vụ lừa đảo ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh miền Tây với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng.
Nhận định về diễn biến tình trạng sử dụng sổ đỏ giả nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, Trung tá, Tiến sĩ Lê Quang Toàn, Phó Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát Nhân dân chia sẻ, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách sử dụng sổ đỏ giả, cũng như việc các cơ quan chức năng bóc gỡ, triệt phá các đường dây làm giả sổ đỏ, giấy tờ với giá rất rẻ. Đặc biệt, các loại giấy tờ giả này tinh vi và giống thật đến mức những người có chuyên môn, kinh nghiệm cũng khó có thể phân biệt được. Do đó, nhiều đối tượng đã thực hiện trót lọt hành vi phạm tội bằng cách sử dụng các loại sổ đỏ giả trên, chiếm đoạt được nhiều tài sản. Những vụ việc này đã gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của người dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, cũng như lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo Trung tá, Tiến sĩ Lê Quang Toàn, việc làm giả giấy tờ, tài liệu để thực hiện tội phạm không phải là thủ đoạn mới, tuy nhiên thời gian gần đây thủ đoạn sử dụng sổ đỏ giả để thực hiện tội phạm có xu hướng gia tăng nhanh và trở nên phức tạp hơn, thủ đoạn tinh vi hơn và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết