Cảnh báo mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng

Trước tình trạng người dân mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng, Sở Xây dựng Bình Phước khẳng định, hình thức này không đúng quy định của pháp luật.

Mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước đã có thông báo về việc lập vi bằng mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn. Theo đó, qua nắm bắt thông tin, trên địa bàn Bình Phước có hiện tượng người dân thực hiện mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng.

Cảnh báo mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng - Ảnh 1

Theo Điều 19 Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định, người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức, trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê; trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, hiện trên địa bàn tỉnh có 54 dự án phát triển nhà ở có bố trí đất nhà ở xã hội với tổng diện tích đất là 321 ha. Có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập và 1 dự án nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội đã và đang được đầu tư xây dựng với 847 căn nhà đã được xây dựng hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho 435 cá nhân, hộ gia đình. Giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173 ha; đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người.

Nếu bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội thì chỉ được bán lại cho Nhà nước (trong trường hợp thuê mua nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư) hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (trong trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách) hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở.

Vì vậy, việc mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Xây dựng đề nghị, các tổ chức cá nhân có nhu cầu giao dịch về nhà ở xã hội, trước khi thực hiện giao dịch cần yêu cầu chủ dự án (chủ đầu tư) cung cấp đầy đủ thông tin về tính pháp lý của dự án, các loại giấy tờ, như: Giấy đăng ký kinh doanh, chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 kèm bản vẽ chi tiết, giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, giấy phép xây dựng... Để rõ thông tin hơn, các tổ chức, cá nhân có thể vào trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng hoặc liên hệ trực tiếp với Sở Xây dựng để được cung cấp thông tin.

Đề xuất bãi bỏ quy định sau 5 năm mới được bán nhà ở xã hội

Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất phương án bãi bỏ quy định thời hạn sau 5 năm bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội mới được bán lại nhà ở này.

Theo Bộ Xây dựng, quy định cứng phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn. Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về cách tính giá bán lại nhà ở xã hội sau một thời gian mua, thuê mua.

Do đó, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội theo 2 phương án.

Trong đó, phương án 1: Cơ bản giữ nguyên quy định của Luật hiện hành nhưng có sửa đổi quy định bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này sau 5 năm nhưng chỉ được bán lại cho các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.

Phương án 2: Bãi bỏ quy định thời hạn được bán lại nhà ở, nhưng bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội theo 2 phương án.

Phương án 1: Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua đảm bảo nguyên tắc theo quy định của Luật này và trình UBND cấp tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Phương án 2: Giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc theo quy định của Luật này. Sau khi quyết toán và kiểm toán nếu vượt định mức thì phải hoàn trả cho người mua, thuê mua theo quy định của Chính phủ.

Tuệ Minh

Người đưa tin Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục