Bộ Công an cảnh báo về lừa đảo forex, tiền ảo
Bộ Công an vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn của Bộ trưởng Công an tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 474 vụ án, 1.071 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn xã hội.
Trong khi đó, đối với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ Công an nhận định, mặc dù thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, với số lượng lớn bị hại tại nhiều địa phương trên cả nước, nổi lên với các thủ đoạn như: Thông qua hoạt động của các sàn đầu tư chứng khoán, giao dịch vàng trên thị trường ngoại hối (forex), quyền chọn nhị phân (BO), giao dịch tiền "ảo", vàng "ảo", ngoại tệ "ảo"... hoặc hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép qua mạng để quảng cáo.
Bộ Công an cho biết, hiện nay trên cả nước có khoảng 240 sàn giao dịch forex trái phép, của gần 100 đối tượng trong nước cầm đầu, có liên kết với các tổ chức quốc tế. Bản chất là lấy tiền người sau trả cho người trước, kêu gọi hàng triệu người tham gia theo mô hình đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay: "Các trường hợp tổ chức, cá nhân lợi dụng sử dụng hình thức đầu tư, kinh doanh môi giới này và các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu có các dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi có đủ căn cứ thì cơ quan công an có thể tiến hành xử lý hình sự".
Chơi forex và những hệ lụy
Trước đó, nhiều nhà đầu tư đã từng giao dịch tại các sàn Forex như: Tifia, KVB Prime, Exness, Lite Finance, Star Trader… có nhiều dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Để lấy lòng tin của nhà đầu tư, các đối tượng đứng sau quảng cáo rằng sàn forex có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng có văn phòng đại diện tại Việt Nam, độ uy tín cao, có các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao bất thường, từ 15-30%/tháng…
Cụ thể, phản ánh với PV, chị H.T.T cho biết, vào tháng 8/2022, chị được một nhân viên tên H.M gọi điện mời chào tham gia đầu tư tại sàn KVB Prime. Từ lời mời chào được đi kèm với cam kết về những khoản lãi hấp dẫn, chị đã đồng ý tham gia với tổng số tiền 280.000.000 VNĐ. Quá trình tham gia, tài khoản của chị H.T.T không có lãi như cam kết, mà ngược lại nhân viên H.M yêu cầu chị nạp thêm tiền để “cứu” tài khoản. Sau khi chị H.T.T không đồng ý, nhân viên H.M đã chặn liên lạc và tiếp đó là tài khoản của chị bị cháy. Bức xúc, chị H.T.T đã làm đơn lên cơ quan chức năng và đang chờ thụ lý.
Theo pháp luật hiện hành, những người tham gia giao dịch forex cũng là vi phạm pháp luật về hoạt động ngoại hối và không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp, xung đột xảy ra. Với hoạt động Forex, những người tham gia đầu tư trái phép còn có thể bị phạt hành chính từ 10 - 30 triệu đồng về hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ theo Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ. Tại khoản 8 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định hành vi môi giới ngoại hối khi không được cấp thẩm quyền cấp giấy phép thì bị phạt hành chính từ 200 - 250 triệu đồng.
Tuy nhiên, từ những sàn Forex chưa được cấp phép tại Việt Nam, rất nhiều câu chuyện đau lòng theo kiểu tiền mất tật mang đã xảy ra.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết