Vàng biến động tách rời thế giới
Những ngày qua giá vàng trong nước đang tăng giảm không theo diễn biến giá thế giới. Vàng đã bất ngờ tăng mạnh kể từ ngày 14/5 và có lúc tăng tới 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra chỉ trong một ngày. Ngay trong ngày 14/5, vàng vọt lên 36,7 triệu đồng/lượng. Đến cuối tuần qua, vàng vẫn giữ ở mức 36,65 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, trên thị trường châu Á và châu Âu, trong những ngày qua giá vàng chỉ tăng nhẹ, quẩn quanh mức 1.295 – 1.305 USD/ounce, tương đương khoảng 33,2 triệu đồng/lượng. Như vậy, so với thế giới, giá vàng trong nước cao hơn tới 3 – 3,8 triệu đồng/lượng, thay vì đã được rút ngắn khoảng cách còn 1,5 – 2 triệu đồng/lượng như thời gian trước đó.
Lý giải về sự biến động đột ngột của vàng, đại diện SJC cho biết, mãi lực vàng trong những ngày qua tăng do tâm lý người dân quan ngại rủi ro và muốn tích trữ tài sản. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng liên tục giảm mạnh những phiên đầu tuần qua, cũng khiến nhà đầu tư lo lắng và chuyển tiền sang mua vàng.
Ngày 16/5, ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra thông cáo báo chí khuyến cáo người dân không nghe tin đồn thất thiệt, xúi bẩy, kích động của các phần tử xấu; cần thận trọng khi quyết định các giao dịch mua, bán ngoại tệ và vàng, tiền gửi để tránh những thiệt hại kinh tế không đáng có cho bản thân và cả xã hội.
Theo SJC, doanh số bán ra ngày thường khoảng 1.500 – 1.700 lượng/ngày, nhưng con số này đã tăng cao hơn 25% trong tuần vừa qua.
Tại PNJ, ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc kinh doanh vàng miếng của công ty cho biết, lượng vàng bán được cho người dân trong những ngày qua cũng tăng khá mạnh. Mãi lực chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân. Doanh số khoảng 500 – 600 lượng/ngày, tăng khoảng 40 – 50% so với thời gian trước.
USD nhích giá nhẹ
Các ngân hàng cũng tăng mạnh giá mua và bán USD. Trong ngày 15/5, Vietcombank đã điều chỉnh tăng 5 đồng/USD khi niêm yết tỷ giá ở mức 21.125 đồng, tăng 5 đồng so với một ngày trước đó.
Đến sáng ngày 16/5, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 21.125 – 21.175 đồng/USD, tăng thêm 20 đồng so với ngày trước đó. Eximbank niêm yết tỷ giá ở mức 21.110 – 21.190 đồng/USD… Đến thứ bảy 17.5, tại Vietcombank, giá USD là 21.140 – 21.190 đồng/USD, tại Eximbank là 21.120 – 21.190 đồng/USD.
Trong khi đó, USD bán ra ở các điểm thu mua ngoại tệ trên thị trường tự do điều chỉnh tăng đến 100 đồng/USD. Tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do trong ngày 16/5 là 21.300 – 21.310 đồng/USD, hai ngày cuối tuần, có lúc, có nơi giá bán lên tới 21.400 đồng/USD.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua thị trường tự do chứng kiến giá USD biến động mạnh.
Một số chuyên gia lĩnh vực tiền tệ cho rằng, một phần do tâm lý của người dân hoặc các nhà đầu cơ đẩy giá, cũng không loại trừ khả năng chính các doanh nghiệp lĩnh vực vàng làm giá, do đó người dân cần bình tĩnh trước biến động thất thường của giá vàng hiện nay.
Sức ép lên tiền gửi tiết kiệm
Mặc dù nguồn tiền tiết kiệm vẫn tăng khi ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động thêm 1% mới đây.
Thế nhưng, trước tình hình vàng và ngoại tệ biến động theo chiều hướng tăng trong những ngày qua, các ngân hàng cũng đang lo ngại đến vấn đề liệu tiền nhàn rỗi có chuyển hướng. Bởi chỉ trong ba ngày cuối tuần vàng đã tăng hơn 1 triệu đồng lượng, trong khi gửi tiết kiệm lãi suất giảm dần là điều để những người có tiền nhàn rỗi phải tính toán.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng tỏ ra lo ngại vấn đề Biển Đông sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, điều PGS.TS Ngân lo ngại đó chính là tín dụng xuất khẩu của các ngân hàng Việt Nam sẽ ít nhiều bị tác động.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 là 36,9 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 28,1% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Vì thế, tình hình căng thẳng Biển Đông chắc chắn sẽ tác động tới hoạt động ngành ngân hàng, nhất là trong vấn đề thanh toán.
Thế giới Tiếp thị