Vào ngày 30/06 tới đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Sài Gòn sẽ thực hiện phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Theo Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, Cảng Sài Gòn sẽ thực hiện chào bán 35,7 triệu cổ phần (tương đương 16,5% vốn điều lệ) cho các nhà đầu tư với mức giá khởi điểm là 11.500 đồng/CP.
Công ty này có vốn điều lệ dự kiến là 2.162 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa; bốc xếp hàng hóa; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan. Theo quyết định phê duyệt giá trị của công ty tính đến ngày 1/1/2014 là 3.955 tỷ đồng. Riêng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2.160 tỷ đồng.
Dù chỉ có 16,5% cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nhưng theo ban lãnh đạo công ty này cho biết hiện đã có 3 “ông lớn đăng ký” mua khối lượng lớn cổ phần Cảng Sài Gòn với tổng khối lượng đặt mua lên đến 102% vốn điều lệ. Cụ thể Tập đoàn Vingroup (VIC) đã đăng ký mua 80% và hai ngân hàng VPBank, Vietinbank mỗi ngân hàng đăng ký mua 11% cổ phần.
Kinh doanh cảng biển là một trong những lĩnh vực hấp dẫn nhất của Việt Nam trong năm 2014, chính vì vậy việc Chính phủ cho phép tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp cảng để thu hút một lượng vốn đầu tư mới từ khu vực tư nhân là điều được giới đầu tư hoan nghênh.
Cảng Sài Gòn vì sao hấp dẫn nhà đầu tư?
Đánh giá về tiềm năng của Cảng Sài Gòn, một chuyên gia chứng khoán cho rằng đối với các doanh nghiệp cảng biển, vị trí và quy mô cảng là những yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả kinh doanh. Trong khi đó Cảng Sài Gòn hội tụ đủ hai yếu tố trên do đó công ty này đã thực sự có sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư lớn như Vingroup.
Cảng Sài Gòn là một trong những cảng lớn nhất Việt Nam, cụ thể tổng diện tích đất mà công ty cảng Sài Gòn đang sử dụng là 1.833.217,6 m2 trong đó diện tích thuê là 557.939 m2, diện tích đất giao là 1.274.765 m2. Giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp là 246,5 tỷ đồng.
Trong đó tại khu vực TP.HCM, Cảng Sài Gòn đã có tới 3 cầu bến Nhà Rồng Khánh Hội, Tân Thuận, Tân Thuận 2 với chiều dài luồng 85 km, độ mớn nước 10,5 m nên có thể đón nhận được các tàu có tải trọng lớn từ 32.000-60.000 DWT. Tại khu vực Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cảng Sài Gòn có một cầu bến với chiều dài luồng 25 km, độ mớn nước 9,1 m, có khả năng đón nhận được các tàu lớn có tải trọng lên đến 50.000 DWT.
Không chỉ vậy hầu hết các cảng nhỏ thuộc hệ thống Cảng Sài Gòn tập trung vào trung tâm các thành phố lớn, rất phù hợp với việc đón nhận hàng hóa tiêu dùng nội địa và hàng nhập khẩu.
“Với những lợi thế về vị trí, quy mô hay năng lực khai thác, Cảng Sài Gòn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư quan tâm đến tiềm năng phát triển của doanh nghiệp này”- vị chuyên gia này nhận định.
Trước đó trong năm 2014, đã diễn ra khá nhiều đợt IPO của các doanh nghiệp cảng, tuy nhiên những thương vụ này lại chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp IPO trong năm 2014, chứ không chỉ riêng ngành cảng biển.
Tuy nhiên, trong năm 2015 này nền kinh tế và thị trường chứng khoán đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc hơn do đó các đợt IPO của doanh nghiệp được dự đoán sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm chú ý của nhà đầu tư.