Cần tiếng nói doanh nghiệp trong sửa đổi Luật Đất đai

Việc soạn thảo Luật đất đai sửa đổi, bộ luật được xem là “luật mẹ” chi phối, bao trùm nhiều luật khác có liên quan đến ngành bất động sản cần sự tham gia góp ý mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.

Vẫn dừng ở ý định

Là đối tượng chịu sự điều chỉnh chính, trực tiếp nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam đồng thời là Chủ tịch HĐQT GP.Invest - một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản thì dù đã nhiều lần có ý kiến tại các hội nghị, hội thảo liên quan với đại diện các bộ ngành và trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay đề xuất Ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi cần có tổ tư vấn là đại diện của các Hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản vẫn dừng lại ở ý định, chưa có quyết định cụ thể.

Cần tiếng nói doanh nghiệp trong sửa đổi Luật Đất đai - Ảnh 1
Sửa Luật đất đai 2013 được doanh nghiệp bất động sản ví như "nắng hạn chờ mưa".

Từ góc độ doanh nghiệp cũng như Hiệp hội nhà thầu, ông Hiệp cho rằng, thời gian qua doanh nghiệp bất động sản đã gặp phải không ít khó khăn khi phải vượt qua "thiên la địa võng" của "ma trận" các quy định chồng chéo của hơn 10 Luật liên quan, trong đó Luật đất đai có thể coi là "luật mẹ" đẻ ra phần lớn những vướng mắc.

Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì hiện nay có đến 20 điểm chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu. Những vướng mắc, xung đột này đang từng ngày tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, có khả năng phát sinh các nhũng nhiễu tiêu cực trong thực hiện dự án.

Vừa qua, việc Chính phủ và Quốc hội lùi thời gian Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang năm 2021 theo ông Hiệp cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp có sự "hụt hẫng" nhất định khi sự bức thiết của việc này đã được đặt ra từ lâu.

 

"Tuy nhiên, nếu việc lùi này là để Chính phủ và các Bộ ngành có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập thì rất đáng để chờ" - ông Hiệp bày tỏ quan điểm.

Lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp

Đối với việc tham gia đóng góp tiếng nói của của doanh nghiệp vào việc sửa đổi Luật đất đai hiện nay, ông Hiệp cũng nhấn mạnh tâm tư "ruột gan" là rất mong Ban soạn thảo Luật đất đai sửa đổi, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường trong vai trò chủ trì cần lắng nghe hơn nữa tiếng nói, sự tham góp từ phía doanh nghiệp cũng như thực tiễn thị trường để Luật sửa đổi sát với thực tế nhất giải quyết được tối đa những vướng mắc đã tồn tại lâu nay, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời là Thành viên Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trong thời gian từ nay cho đến thời điểm trình dự án sửa đổi Luật Đất đai ra Quốc hội khóa tới là rất quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các Bộ ngành kết hợp với hoạt động thông tin truyền thông để ghi nhận thực tế, tập hợp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn cả trong và ngoài nước và đông đảo doanh nghiệp, nhân dân để dự án Luật Đất đai sửa đổi thật sự "mang hơi thở của cuộc sống", đảm bảo chất lượng, tính khả thi.

Cũng theo Bà Nhung thì những điểm mà doanh nghiệp mong chờ Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ giải quyết triệt để là tình trạng chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và các Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch...

Theo Lê Sáng/Diễn đàn Doanh nghiệp

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục