Cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Việt Nam cần chuyển sang kinh tế tuần hoàn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thực tiễn đó đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Kinh tế tuyến tính sử dụng tài nguyên gấp 3 lần hiện nay

Tham luận tại Đại hội XIII về phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay, theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của Trái Đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Hiện nay, trên thế giới bên cạnh các mô hình: kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn được coi là có thể đáp ứng yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Bộ trưởng phân tích, so với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích: nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng; giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; hạn chế tối đa chất thải, khí thải ra môi trường; giảm chi phí xã hội trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng...

Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, càng làm sâu sắc thêm yêu cầu về thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.

“Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển kinh tế tuần hoàn”, Bộ trưởng cho hay.

Việt Nam đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế sắt vụn, thu gom tái chế giấy,… trong nông nghiệp có mô hình vườn - ao - chuồng, vườn - rừng - ao - chuồng, thu hồi gas từ chất thải vật nuôi…, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù còn nhiều hạn chế, như còn gây ô nhiễm môi trường, nhưng các mô hình này cũng đã bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn.

Các chiến dịch về bảo vệ môi trường như chống rác thải nhựa đã được cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên cả nước tích cực hưởng ứng, tham gia. Vì vậy, đã hình thành một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn như: mô hình khu công nghiệp sinh thái tại một số địa phương; sáng kiến "Không xả thải ra thiên nhiên" do VCCI khởi xướng; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam; Đối tác toàn cầu về nhựa của Việt Nam; cộng đồng doanh nghiệp cũng đang rất tích cực hưởng ứng mô hình kinh tế tuần hoàn...

“Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn cũng gặp một số khó khăn, thách thức, đó là: chưa hình thành được ngành công nghiệp môi trường; còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ tái chế, tái sử dụng các sản phẩm, vật liệu đã qua sử dụng; phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ trong ngắn hạn; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần để chuyển sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn”, Bộ trưởng thừa nhận.

Kinh tế tuần hoàn đang là mô hình quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn đang là mô hình quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững.

Doanh nghiệp và người dân là trung tâm

Theo Bộ trưởng, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Ngay từ những năm đầu của thập niên 2021-2030, cần tập trung triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam nhằm tận dụng những cơ hội hợp tác trong tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững đất nước. 

“Trong đó, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát huy vai trò trung tâm trong xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Bộ trưởng đặt ra 5 vấn đề cần thực hiện. Thứ nhất, cần xem phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp tất yếu để nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững; phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm... Kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII xem xét ban hành Nghị quyết về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị, quán triệt các cấp ủy đảng, chính quyền; tăng cường tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội về yêu cầu thực tiễn, vai trò, ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chiến lược, chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phù hợp với chủ trương của Đảng, xu thế mới, những quy định, tiêu chuẩn đã và đang hình thành trong khu vực và trên quy mô toàn cầu.

Trước mắt, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, như: Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường…; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Thực hiện các giải pháp để chuyển đổi mô hình kinh tế như: điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

Chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch, thiết kế sản xuất, thiết kế sản phẩm để tăng cường kết nối chuỗi sản xuất tuần hoàn. Lựa chọn một số ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn như: công nghiệp giấy, sản xuất sắt, thép, nhiệt điện, quản lý nước theo chu trình. Phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện theo mô hình tuần hoàn.

Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, lấy chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.

“Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu. Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững trong bối cảnh mới”, Bộ trưởng kết thúc tham luận.

Taichinhdoanhnghiep
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục