Kể từ 1997 đến nay, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam có xu hướng giảm dần: từ 56 xuống khoảng 30 ngân hàng trong năm 2014.
Theo các chuyên gia kinh tế nhận định để Việt Nam nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển và ngành ngân hàng tránh được các cú sốc khi có sự tấn công mạnh mẽ của các ngân hàng ngoại trong thời gian tới đây, ngành ngân hàng không những phải giải quyết nợ xấu mà còn phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại.
Cụ thể chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần giảm số lượng các ngân hàng thương mại của Việt Nam xuống còn 15 ngân hàng thay vì còn tới 30 đơn vị như hiện nay. Thêm vào đó ông Hiếu cũng cho rằng để có thể cạnh tranh được với các ngân hàng ngoại thì cần phải có vài ngân hàng có số vốn điều lệ tối thiểu 5 tỷ USD.
Cần giảm số lượng ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Cũng cùng quan điểm trên, G.S Nguyễn Đức Khương, chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp cho rằng Việt Nam cần phải giảm thiểu số lượng nhưng nâng cao chất lượng các ngân hàng để có thể điều phối về vốn và chống lại những rủi ro, cú sốc nội tại của nền kinh tế.
Tuy nhiên cũng không ít người tỏ ra lo ngại việc giảm thiểu số lượng ngân hàng quá “mạnh tay” như vậy, hệ thống ngân hàng sẽ khó có thể phục vụ được đa số dân cư và nền kinh tế.
Ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng cổ phần nông thôn vẫn còn tồn tại với những ngân hàng quy mô vốn nhỏ, hoạt động trong một phạm vi địa bàn nhất định với các loại hình nghiệp vụ giới hạn. Do vậy một số ý kiến cho rằng nếu như được quản lý tốt thì nhóm này cùng với các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác sẽ tạo ra một mạng lưới rộng khắp đủ để phục vụ sâu rộng cho đại đa số dân cư.
Với lộ trình tái cơ cấu theo hướng giảm số lượng ngân hàng từ hơn 30 xuống còn 15 ngân hàng đến năm 2017 thì số lượng ngân hàng phải “xóa tên” khỏi thị trường theo đề án tái cấu là không hề nhỏ. Theo đó làn sóng sáp nhập, hợp nhất, mua bán trong lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra sôi động hơn rất nhiều.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đó là tiếp tục triển khai quyết liệt quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong 6 tháng cuối năm, đảm bảo cho hoạt động của hệ thống sớm được ổn định hơn. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang cố gắng để hoàn thiện khung pháp lý, phê duyệt các thương vụ M&A trong thời gian sớm nhất.
Minh anh (TH theo Tuổi trẻ; ĐTCK)