Hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ, lợi thế của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là nắm trong tay các khu đất nằm tại các khu vực sầm uất, cạnh các trục giao thông huyết mạch của nội thành Hà Nội.
Điều đáng chú ý nằm ở chỗ Transerco nằm trong danh mục sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đây có thể là một trong những yếu tố giúp cổ phần của Transerco hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân đã vào tay Urinco 7 như thế nào?
Dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân (Hà Nội) từng được cho phép thực hiện, với mục đích là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco). Gần 3,7ha “đất vàng” này đến nay đã "biến" thành dự án nhà ở thương mại của Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco 7).
Dự án nhà ở số 90 Nguyễn Tuân (Hà Nội) từng được cho phép thực hiện, với mục đích là xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco).
Cụ thể, công văn số 10089/UBND-QHXDGT ngày 17/12/2012, UBND TP. Hà Nội thông báo chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của Transerco, chỉ định nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của mình.
Đơn vị được chỉ định là Urinco 7. Lưu ý là UBND TP Hà Nội đã cho phép Transerco “không tham gia Liên danh góp vốn” vào dự án. Đây chính là mấu chốt của việc “đổi chủ” dự án nhà ở “đất vàng” 90 Nguyễn Tuân.
Sau 3 năm thực hiện thủ tục đến ngày 24/12/2015, Urinco 7 có tờ trình số 415/TTr/CT-ĐT về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.
Chỉ 6 ngày sau, ngày 31/12/2015, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có tờ trình số 14545/TTr/SXD gửi UBND thành phố Hà Nội về việc chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.
Tới ngày 20/01/2016, Sở Xây dựng Hà Nội lại tiếp tục có Văn bản số 575/SXD-QLDA với cùng một nội dung như trên. Hơn 1 tháng sau, ngày 03/02/2016, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định chủ trương đầu tư số 597/QĐ-UBND cho dự án 90 Nguyễn Tuân.
Như vậy, sau khi chờ 3 năm thực hiện nghiên cứu, lập dự án, Urinco 7 chỉ mất 1 tháng 9 ngày từ khi có tờ trình, tới khi UBND TP Hà Nội ra quyết định chủ trương đầu tư cho dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.
Đến ngày 22/6/2017, căn cứ theo đề nghị của Urinco 7 và ý kiến thẩm định của các ban ngành, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đã ký Quyết định 3726/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án 90 Nguyên Tuân.
Theo đó, mục tiêu xây dựng khu nhà ở nhằm cải thiện nhu cầu và điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Transerco vẫn được giữ nguyên. Tuy nhiên, việc đầu tư công trình hỗn hợp lúc này được thực hiện tại 02 ô đất (HH1, HH2), tầng cao công trình cũng được nâng lên thành 29, khiến số căn hộ chung cư tăng lên 832 căn, nhà ở thấp tầng nâng lên thành 87 căn, quy mô dân số 2.000 người.
Như vậy, sau điều chỉnh, tổng số căn hộ dự án đã tăng hơn 2 lần, từ 414 căn lên 919 căn, dân số cũng tăng lên từ 1.361 người lên 2.000 người. Sự gia tăng này sẽ góp phần gia tăng đáng kể lợi ích của chủ đầu tư tại dự án “đất vàng” này.
Dự án có thực sự dành cho cán bộ công nhân viên của Transerco?
Đáng lưu ý, một trong những mục tiêu đầu tư quan trọng của dự án này được xác định là: xây dựng khu nhà ở nhằm cải thiện nhu cầu và điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Transerco.
Tuy nhiên, từ thông tin công khai, trên vô số website rao bán nhà tại tổ hợp nhà phố liền kề, shophouse, chung cư này không hề tìm thấy bất kỳ thông tin nào liên quan tới cán bộ công nhân viên Transerco.
Ở đây có điểm cần lưu ý. Về nguyên tắc, việc Transerco xin chuyển mục đích sử dụng khu đất 90 Nguyễn Tuân là để thực hiện mục tiêu xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của tổng công ty. Nhưng “xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên” không có nghĩa tính chất dự án này là nhà ở xã hội. Pháp luật không có quy định này.
Tức là, ngoại trừ quyền được ưu tiên mua, cán bộ công nhân viên của Transerco không được hưởng quyền ưu đãi như pháp luật quy định dành cho nhà ở xã hội. Cách nói đơn giản hơn, dự án do Transerco xin chỉ “mượn danh” cho cán bộ công nhân viên để dễ được thông qua hơn về chủ trương. Còn về pháp lý, đây vẫn là dự án bất động sản thương mại thuần túy.
Thêm một điều vô lý khác nữa, giá căn hộ của dự án này được rao bán với mức giá hơn 30 triệu đồng/m2, thậm chí, nhà liền kề lên tới mức giá 220 triệu đồng/m2. Với mức giá này thì chắc chắn, đại đa số cán bộ công nhân viên của Transerco cũng không có đủ thu nhập để với tới giá nhà đang rao bán trên thị trường.
Hay nói cách khác, cán bộ công nhân viên của Transerco, mặc dù đáng ra phải là đối tượng chính được quan tâm trong dự án này, nay bị gạt luôn khỏi dự án trên khu đất ấy, vì giá bán quá cao. Vậy câu hỏi đặt ra là dự án này có thực sự nhằm cải thiện nhu cầu và điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên của Transerco?
Theo Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ