Ngân hàng cổ phần đầu tiên của tỉnh Long An
Ngân hàng TMCP Xây Dựng được thành lập vào năm 1989, với tên gọi Ngân hàng TMCP nông thông Rạch Kiến. Sau 18 năm hoạt động dưới mô hình ngân hàng nông thôn đến ngày 17/8/2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức chấp thuận cho Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến chuyển đổi mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Thời điểm được chấp nhận chuyển đổi sang mô hình ngân hàng đô thị, với cái tên TrustBank ngân hàng đã đặt mục tiêu trở thành một trong số các ngân hàng có chất lượng phục vụ tốt nhất tại Việt Nam. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, điều mà VNCB làm được chỉ khiến người ta thất vọng.
Tính tới cuối năm 2011, tổng tài sản của VNCB vào khoảng 27.130 tỷ đồng. Thời điểm đó, huy động vốn của VNCB tăng 35% so với năm 2010, lợi nhuận trước thuế đạt 219 tỷ đồng. Vốn điều lệ năm 2011, cũng đạt 5.000 tỷ đồng, tăng gấp 14.793 lần so với ngày đầu thành lập.
Tuy nhiên, VNCB đã rơi vào khó khăn cũng từ năm 2011, một phần do tình hình kinh tế vĩ mô biến động bất lợi, tình hình lạm phát tăng cao, chính sách tài khoá và tiền tệ bị thắt chặt. Nhưng nguyên nhân chính dẫn tới sự đi xuống của VNCB chính là bước đầu tư sai lầm vào thị trường bất động sản. Thời điểm đó, VNCB đã dành một lượng lớn vốn của mình cho vay bất động sản. Tính đến cuối tháng 2/2012, tổng dư nợ cho vay, đầu tư của VNCB vào trái phiếu và cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bất động sản chiếm đến 53% tổng tài sản, thị trường bất động sản đóng băng dẫn tới thanh khoản suy kiệt, tỷ lệ nợ xấu của VNCB cũng tăng theo. Từ đó, VNCB bộc lộ sự yếu kém của hệ thống quản lý rủi ro dẫn tới mất cân đối lớn trong bảng cân đối tài chính.
Sai lầm trong đầu tư BĐS, VNCB đã bị rơi vào nhóm 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu. Ảnh: Internet.
Theo điều tra của NHNN, tính tới ngày 10/7/2012, tình hình tài chính của VNCB rất xấu, trong đó vốn chủ sỡ hữu bị âm 2.854 tỷ đồng, lỗ luỹ kế là 6.061 tỷ đồng. Với tình hình kinh doanh không mấy khả quan, VNCB đã bị rơi vào nhóm 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN.
Sự xuất hiện của Phạm Công Danh: “Giao trứng cho ác”
Tới tháng 1/2013, VNCB tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua phương án tái cơ cấu ngân hàng. Thời điểm này xuất hiện nhóm cổ đông Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT. Theo đó, VNCB sẽ bán khoảng 252.110.151 cổ phiếu tương đương 84,04% vốn của ngân hàng, Tập đoàn Thiên Thanh sở hữu 9,67% và 20 cổ đông cá nhân khác sở hữu 74,37% vốn. Ngân hàng sẽ tiến hành chuyển nhượng cổ phần và khoản nợ của cổ đông cũ cho nhóm cổ đông mới giá trị 4.500 tỷ đồng thông qua việc mua lại 84,04% vốn. Vốn điều lệ sẽ được tăng thêm 2.000 tỷ đồng từ nhóm cổ đông Thiên Thanh và thanh lý tài sản của nhóm Phú Mỹ, sau đó sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 2.500 tỷ đồng. Qua đó, Tập đoàn Thiên Thanh trở thành nhóm cổ đông chính của VNCB và Phạm Công Danh – chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh sẽ nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT ở VNCB.
Thời điểm đó có nhiều người cho rằng, Tập đoàn Thiên Thanh đứng đầu là Phạm Công Danh đã giải cứu VNCB, nhưng cho tới hiện tại chính Phạm Công Danh là người đã nhấn chìm VNCB xuống đáy vực thua lỗ và nợ nần.
Phạm Công Danh chính là người đã nhấn chìm VNCB lún sâu vào thua lỗ và nợ nần. Ảnh: Internet.
Tới cuối tháng 5/2013, cái tên Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam chính thức được NHNN chấp thuận.
Khi mà người ta vẫn hi vọng Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh sẽ vực dậy được VNCB như cái cách mà DOJI của ông Đỗ Minh Phú đã vực dậy TPBank, thì Phạm Công Danh lại làm trái ngược hoàn toàn. Lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT VNCB, Danh đã chỉ đạo HĐQT và cấp dưới thực hiện lập các hồ sơ giả để rút tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân. Ngoài ra Phạm Công Danh còn thành lập 29 doanh nghiệp khác nhờ người thân, quen đứng tên giám đốc, sau đó lập các hồ sơ khống vay tiền từ VNCB, Danh là ông chủ duy nhất và có quyền quyết định tại VNCB đã phê duyệt các hồ sơ cho vay, với lý do sử dụng chăm sóc khách hàng, duy trì ổn định ngân hàng, chi tiêu vào việc chung của tập đoàn Thiên Thanh nhưng bản chất là để phục vụ lợi ích cá nhân của Phạm Công Danh.
Phạm Công danh đã dùng chính tiền của VNCB để mua lại ngân hàng này. Theo đó, Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập và duyệt hồ sơ cho 14 công ty vay hơn 5.000 tỷ đồng của VNCB, số tiền này dùng để trả nợ mua cổ phần của VNCB từ nhóm cổ đông trước đó, cùng với các chi tiêu cá nhân. Dưới sự điều hành của Phạm Công Danh tình hình hoạt động kinh doanh của VNCB không khả quan hơn mà ngày càng đi xuống, vốn chủ sở hữu liên tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn tăng cao, thanh khoản luôn ở mức báo động. Đến cuối năm 2012, lỗ luỹ kế của VNCB lên tới 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Tới năm 2013, lỗ luỹ kế VNCB đạt mức 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Tới thời điểm Phạm Công Danh và đồng bọn bị khởi tố (ngày 26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả lên tới 38.255 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản ngân hàng chỉ là 16.745 tỷ đồng.
Như vậy, từ khi Phạm Công Danh lên nắm chiếc ghế Chủ tịch HĐQT, VNCB đã ngày càng lún sâu vào vũng bùn thua lỗ và nợ nần, thiệt hại gây ra tại VNCB ước tính hơn 9.000 tỷ đồng.
Tới năm 2015, NHNN chính thức mua lại 100% vốn điều lệ của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với giá 0 đồng, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với cổ đông hiện hữu của VNCB. Đây được xem như cái kết buồn cho ngân hàng cổ phần đầu tiên của tỉnh Long An, sau 26 năm hình thành và hoạt động cho tới thời điểm bị mua lại với giá 0 đồng.
Quang Thắng