Theo đó, clip ghi lại cảnh một người phụ nữ dùng một chiếc xi lanh to, bơm một chất lỏng màu nâu vàng vào trong những con cua đã chết để chúng trở nên tươi ngon, căng bóng được lan truyền mạnh mẽ trên mạng khiến nhiều người không khỏi hoang mang lo lắng. Được biết clip này có nguồn gốc từ Trung Quốc và hành vi của người phụ nữ này là "chiêu trò" khá quen thuộc của những người buôn bán hải sản.
Cua ghẹ còn tươi sống sẽ còn nguyên càng, đạp rất khỏe không giống như cua ghẹ đã chết càng thẳng đuột, không cử động
Những con cua biển sẽ được bơm gạch giả vào mai cua. Chất liệu làm giả gạch cua giả gồm lòng đỏ trứng vịt, pha bột mỳ, trộn với chất bảo quản có thành phần phoóc môn có thể giữ được một số ngày trong mai mà không chảy, không phân hủy, không biến màu.
Sau khi qua nhiều công đoạn, toàn bộ số cua ghẹ chết trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng rộm, nhìn khác một trời một vực so với hình ảnh nhợt nhạt, bốc mùi lúc trước.
Trao đổi về vấn đề này, Anh Nguyễn Văn Lâm – chủ một cửa hàng hải sản tươi sống trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) cho rằng người tiêu dùng hoàn toàn có thể “vạch mặt” cua ghẹ bơm tạp chất bằng mắt thường.
“Trước hết, khi mua cua ghẹ, để không mua phải loại bơm tạp chất, mọi người nên nhìn vào màu sắc của gạch. Bà nội trợ đừng ngại bẩn, tanh mà hãy dùng tay khẽ vạch phần diềm mai phía cuối là có thể nhìn thấy phần gạch bên trong. Nếu phần gạch bên trong màu son tươi là gạch thật. Nếu thấy gạch màu đỏ nhạt hơi có ánh xanh thì đó là gạch giả của loại cua ghẹ kém chất lượng, thậm chí là đã chết.
Tốt nhất khi đi mua, mọi người nên mua loại vẫn còn sống, vẫn còn bơi được trong chậu, trong bể. Chọn con cua ghẹ vẫn còn mở mắt, còn nguyên càng, càng co duỗi được chứ không phải loại đã bị mất một vài càng và càng thì thẳng đuột, không cử động được.
Hơn thế, ngay cả lúc còn tươi, chưa qua chế biến, con cua ghẹ sạch sẽ có mùi tanh của hải sản tươi sống. Còn loại đã được bơm tạp chất, chắc chắn sẽ có mùi lạ. Trông màu sắc của chúng không thể nào tươi nguyên được như con ghẹ sống được.
Một điều cần chú ý nữa là khi mua cua ghẹ, cần xem kĩ xem trên thân chúng có vết kim tiêm hay lỗ thủng nào lạ không vì nếu có bơm tạp chất vào cua ghẹ thì người ta cũng phải có vật dụng để truyền vào. Người cua ghẹ cứng như vậy, chắc chắn phải dùng đến vật dụng như kim tiêm” - anh Lâm nói.
Trong thực tế, không chỉ cua ghẹ là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ bị bơm tạp chất, mà một loại hải sản nữa là tôm cũng rất hay bị bơm tạp chất. Do đó, người tiêu dùng cần chọn lựa cẩn thận và tốt nhất là ưu tiên những loại hải sản còn tươi sống để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hoài Anh (Theo Trí thức trẻ, PNO)