Chủ tịch Fed, Jerome Powell, trong một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 14-15/12/2121 đã so sánh tình trạng gần như suy thoái của nền kinh tế Mỹ khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu vào năm 2020 với môi trường giá cả và tiền lương ngày càng tăng hiện nay, trong bối cảnh thị trường việc làm được cải thiện đáng kể và nền kinh tế từ chỗ hồi phục nhanh chóng đến chỗ tăng trưởng tương đối bền vững như hiện nay.
Ông Powell cho biết tốc độ lạm phát đã lên mức cao một cách "khó chịu", và "theo quan điểm của tôi, chúng tôi đang đạt được tiến bộ nhanh chóng để có số việc làm nhiều tối đa ", là môi trường đủ để thuyết phục tất cả các quan chức Fed , ngay cả những người ôn hòa nhất, rằng đã đến lúc thoát hoàn toàn khỏi những chính sách đã áp dụng trong suốt hai năm qua khi phải chật vật vượt qua đại dịch.
Chủ tịch Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau kỳ họp của Fed.
10 trong số 18 thành viên của FOMC dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần vào năm 2022, đưa phạm vi lãi suất cơ bản lên 0,75-1%, từ mức 0 đến 0,25% hiện nay (đã được duy trì suốt từ lúc bùng phát dịch bệnh, tháng 3/2020).
Ủy ban Thị trường mở liên bang của Fed (FOMC) sau kỳ họp này đã quyết định sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với mức đưa ra vào tháng 11/2021. Fed đã mua ít nhất 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán thế chấp kể từ tháng 3/2020 nhằm giữ cho chi phí đi vay ở mức thấp và thị trường tín dụng lưu thông. Theo lịch trình mới được đưa ra, mỗi tháng Fed sẽ giảm mua trái phiếu kho bạc 20 tỷ USD và trái phiếu thế chấp 10 tỷ USD. Theo đó, Fed sẽ mua ít nhất 40 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 20 tỷ USD trái phiếu thế chấp mỗi tháng, nhưng có thể sẽ điều chỉnh tốc độ sâu hơn trong năm.
Ngoài Fed, trong tuần này động thái của một loạt các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đang được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) sẽ công bố quyết sách vào thứ Năm (16/12) trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố vào thứ Sáu (17/12). Ngày 16/12 Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu về số người thất nghiệp lần đầu và chỉ số sản xuất công nghiệp cập nhật.
Kịch bản do ngân hàng trung ương Mỹ đưa ra trong tuyên bố chính sách mới và các dự báo kinh tế dựa trên dự đoán về tình hình đại dịch, bất chấp sự lây lan của biến thể Omicron.
Việc Fed tăng tốc độ điều chỉnh chính sách có lý do chủ yếu là lạm phát cao hơn nhiều so với mức ngân hàng dự kiến hồi đầu năm. Fed đặt mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát cơ bản hàng năm ở mức trung bình 2% mỗi năm, nhưng trên thực tế, lạm phát - được đo bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Bộ Thương mại không tính giá thực phẩm và năng lượng, thước đo tăng trưởng giá ưu tiên của FED - đã tăng 0,4% trong tháng 10/2021 và 4,1% hàng năm. Chỉ số PCE nói chung đã tăng 0,6% trong tháng 10/2021 và 5% hàng năm.
Chứng khoán tăng mạnh
Chứng khoán Mỹ bật tăng sau thông tin từ Fed, trong đó cổ phiếu của các công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe tăng mạnh nhất. Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều đảo ngược mức giảm trước đó để tăng khá mạnh, theo đó Dow Jones tăng 1,08% lên 35.927,43 điểm, trong khi S&P 500 tăng 1,63% lên 4.709,85 và Nasdaq Composite tăng mạnh 2,15% lên 15.565,58. Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 12,2 tỷ cổ phiếu, vượt xa mức trung bình 11,6 tỷ trong 20 ngày giao dịch qua.
Lạm phát và lãi suất tăng đã trở thành mối quan tâm lớn ở Phố Wall trong những tháng gần đây. Dữ liệu mới nhất cho thấy giá sản xuất ở Mỹ tăng mạnh mẽ nhiều hơn dự kiến trong tháng 11 so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010. Dữ liệu giá tiêu dùng tuần trước cũng cho thấy mức tăng lớn nhất trong gần 4 thập kỷ.
Chứng khoán Mỹ ngày 15/12 tăng vọt.
Giá vàng cũng tăng
Giá vàng cũng hồi phục mạnh mẽ từ mức giảm lúc đầu phiên sau khi Fed tuyên bố khả năng sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm tới. Đây là một điều đặc biệt vì khi Fed nâng lãi suất lẽ ra giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, giá vàng giao ngay kết thúc ngày 16/12 tăng 0,4% lên 1.777,82 USD/ounce, song vàng tương lai (kỳ hạn tháng 2) giảm 0,4% xuống 1.764,50 USD.
Sở dĩ thị trường vàng có phản ánh khác lạ là bởi động thái của Ngân hàng Trung ương Mỹ báo hiệu mối lo lắng của họ về lạm phát.
Tai Wong, nhà giao dịch kim loại quý ở New York, cho biết: "Thị trường đang tìm kiếm một động thái diều hâu từ Fed và họ đã tìm thấy điều đó trong âm mưu dot plot", "Thị trường vui mừng khi Fed hơi lo lắng và không muốn ở quá xa so với đường cong lãi suất. Đối với vàng, mức kỹ thuật quan trọng là 1.750 USD; nếu phá vỡ ngưỡng này thì về cơ bản sự biến động từ nay đến cuối năm sẽ theo hướng suy yếu".
Trong các dự báo kinh tế mới của mình, Fed cho rằng lạm phát sẽ ở mức 2,6% trong năm tới, cao hơn nhiều so với mức 2,2% được dự báo vào tháng 9. Áp lực giá tăng đã thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng khi một số nhà đầu tư coi vàng như một hàng rào chống lại lạm phát tăng nóng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện nhanh chóng, nhưng cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 sẽ chưa kết thúc trong ngắn hạn. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA cho biết: "Rủi ro nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái vào năm 2023 dường như không quá phi lý", và do đó vàng vẫn là lựa chọn của nhà đầu tư mặc dù lãi suất sắp tăng.
Bitcoin vọt lên trên 49.000 USD
Quyết định của Fed sau cuộc họp tháng này cũng kích thích thị trường tiền điện tử khởi sắc, theo đó đẩy giá Bitcoin tăng vượt 49.000 vào cuối thúc phiên 15/12 trên thị trường phương Tây, trong khi ether và các tiền điện tử khác cũng tăng. Kết thúc phiên này, Bitcoin vẫn tăng 1,3% so với phiên giao dịch liền trước, đạt 48.843 USD, trong khi Ether tăng 4,5% lên 4.014 USD, sau khi giảm xuống dưới 3.700 USD vào đầu tuần này.
Việc Bitcoin và các tiền điện tử khác tăng giá trong khi Fed sắp thắt chặt tiền tệ cũng là một hiện tượng lạ như vàng, nhưng cũng có cơ sở để lý giải.
Toàn bộ các thị trường tiền điện tử và tiền tệ truyền thống đều theo dõi chặt chẽ quyết định của Fed bởi nhiều người tin rằng chính sách tiền tệ thắt chặt thường gây áp lực giảm giá đối với các tài sản rủi ro, bao gồm cả tiền điện tử. Giá bitcoin và các loại tiền điện tử khác đã giảm mạnh trong những tuần gần đây do các nhà đầu tư lo lắng về khả năng Fed điều chỉnh chính sách theo hướng ‘diều hâu’. Song việc giá tiền điện tử tăng trongh phiên vừa qua cho thấy bên cạnh lãi suất của Mỹ, thị trường còn chịu nhiều yếu tố tác động khác.
Chỉ số Dollar index tăng 0,2% lúc kết thúc phiên 15/12 theo giờ địa phương, lên 96.737.
Khối lượng giao dịch của Bitcoin trên các sàn giao dịch tập trung lớn đã tăng trong ngày 15/12 so với một số ngày trước đó.
Khối lượng giao dịch tiền điện tử hàng ngày.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk, Tradingeconomics
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết