Các “ông lớn” ngân hàng phải tăng gấp đôi dự phòng rủi ro

Ngày 10/11 vừa qua, cơ quan giám sát ngân hàng toàn cầu Financial Stability Board (FSB), đã đưa ra đề yêu cầu các ngân hàng lớn trên thế giới tăng gấp đôi số vốn dự phòng để phòng ngừa rủi ro, nhằm tránh là gánh nặng cho nền kinh tế nếu bị đổ bể.

Mark Carney, Chủ tịch FSB đồng thời là người đứng đầu Ngân hàng trung ương Anh, nói rằng đề xuất trên được coi là bước ngoặt trong nỗ lực chấm dứt quan niệm về các ngân hàng quá lớn để bị phá sản. Quy định mới được đưa ra nhằm tránh sự tái diễn của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) gây ra, đã làm chao đảo lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Các ngân hàng siêu lớn có thời điểm quản lý khối tài sản lớn hơn cả GDP của nước mà những ngân hàng đó đặt trụ sở. Việc các ngân hàng siêu lớn tin chắc rằng chính phủ các nước đó không có lựa chọn nào khác là phải giải cứu trong trường hợp họ gặp rắc rối đã khuyến khích họ bất chấp rủi ro trong kinh doanh.

Để ngăn chặn rủi ro mà thiệt thòi thường rơi vào những người nộp thuế, FSB đề xuất việc yêu cầu 30 ngân hàng siêu lớn, trong đó có UBS, Citigroup và HSBC, tăng vốn dự phòng lên tương đương tối thiểu 16-20% số tài sản rủi ro, tức là cao hơn trên gấp đôi so với mức tối thiểu 7% theo quy định Basel III. Các con số trên chưa tính số tiền dự phòng khác mà không ít ngân hàng buộc phải có theo quy định.

Đề xuất của FSB, có trụ sở ở Basel (Thụy Sĩ), đã nhận được sự tán thưởng từ nước Anh và Đức - "quê hương" của nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quy định này dự kiến chưa thể có hiệu lực trước năm 2019. Bản dự thảo cuối cùng cho đề xuất này cần được hoàn tất trước khi trình lên Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối năm 2015./.

Theo TTXVN

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục