Hiện nay, nợ xấu đang được các ngân hàng tiếp tục ráo riết xử lý bằng cách bán nợ/tài sản bảo đảm. Ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) có thể coi là cái tên tích cực nhất trong việc xử lý nợ xấu.
Ảnh minh họa
Đấu giá khoản nợ hơn 708 tỷ đồng của Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng
Công ty TNHH Quản lý nợ & Khai thác tài sản Agribank (AMC) vừa có thông báo đấu giá toàn bộ khoản nợ của Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng tại Agribank chi nhánh Bình Tân theo Hợp đồng tín dụng số 6200LAV200806683 ngày 15/12/2008 để xử lý nợ xấu.
Theo đó, giá trị ghi sổ khoản nợ đến ngày 15/10/2018 là hơn 708 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 352 tỷ đồng và nợ lãi là hơn 356 tỷ đồng (tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 15/10/2018 cho đến khi Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại Agribank chi nhánh Bình Tân).
Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm: Giá trị quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh, diện tích: 6952,2m2, thuộc thửa 155, tờ bản đồ số 9 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc được xây dựng trên thửa đất số 155, tờ bản đồ số 9 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh
Theo thông báo, Agribank sẽ bán đấu giá khoản nợ trên với giá khởi điểm 356 tỷ đồng.
Dự kiến, Agribank sẽ tổ chức bán đấu giá khoản nợ vào ngày 27/09/2019 tại Công ty Đấu giá hợp danh Tài sản Lam Sơn – 111A Tân Sơn Nhì, Phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, Tp. HCM.
Trước đó, Agribank đã tổ chức bán đấu giá khoản nợ này với giá khởi điểm là 405 tỉ đồng vào tháng 11/2018 nhưng không thành công.
Sau đó nhà băng này lại tiếp tục tổ chức đấu giá lần 2 với giá khởi điểm bị hạ xuống còn 370 tỷ đồng (giảm 35 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên) nhưng cũng gặp thất bại.
Trong lần đấu giá ngày 27/9 tới, tuy Agribank AMC đã
"đại hạ giá" xuống còn 356 tỷ đồng (giảm 49 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên) nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn buổi đấu giá sẽ thành công.
Theo tìm hiểu, Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng có địa chỉ tại 279 bến Chương Dương, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM. Công ty được thành lập vào năm 2000 và hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Võ Thanh Tùng. Thông tin từ Tổng cục thuế, Doanh Nghiệp Tư Nhân Thanh Tùng này đã dừng hoạt động.
Đấu giá khoản nợ hơn 227,4 tỷ đồng của Tấn Phát
Một khoản nợ lớn khác mà Agribank AMC cũng đã đem ra đấu giá trong cuối tháng 9 này (ngày 20/9) là khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát tại tỉnh Lâm Đồng (có bảo đảm bằng tài sản) tại Agribank Chi nhánh 6 theo Hợp đồng tín dụng số 1605-LAV-200700374 ký ngày 29/10/2007.
Giá trị ghi sổ khoản nợ tạm tính đến ngày 15/05/2019 theo Hợp đồng tín dụng số 1605-LAV-200700374 ngày 29/10/2007 là trên 312 tỷ đồng, trong đó nợ lãi gấp đôi nợ gốc (Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 15/5/2019 cho đến khi Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại Agribank Chi nhánh 6).
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ nằm rải rác tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), huyện Bình Tân (TP. HCM) và quận 8 (TP. HCM).
Giá khởi điểm cho khoản nợ này hiện tại là hơn 227,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng Agribank đã liên tiếp hạ giá khoản nợ này.
Cụ thể, Agribank đã tổ chức bán đấu giá khoản nợ này với giá khởi điểm là 312,9 tỷ đồng vào ngày 14/8 nhưng không thành công. Sau đó, khoản nợ này lại bị hạ tiếp xuống còn 288,8 tỷ đồng vào ngày 30/8 (giảm hơn 24 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên).
Nửa tháng sau, khoản nợ của Tấn Phát tiếp tục đại hạ giá xuống ở mức 252,7 tỷ đồng (giảm hơn 60 tỷ đồng so với giá khởi điểm trong lần đấu giá đầu tiên). Mới đây nhất, ngày 20/9 Agribank lại hạ giá khoản nợ ở mức hơn 227,4 tỷ đồng ( giảm hơn 85 tỷ đồng so với mức giá đầu tiên).
Mới đây, Agribank vừa công bố một số kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2019. Theo đó, tính đến ngày 31/7/2019, ngân hàng đạt 8.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trước thềm cổ phần hóa.
Một trong những vấn đề nan giải nhất đó là “bài toán” tăng vốn. Từng là một ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, hiện nay Agribank có vốn điều lệ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại.
Hà Phương