Dự án “ma” lộng hành khắp nơi
Khoảng giữa tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân, TP HCM đã phát đi thông tin cảnh báo, hiện trên địa bàn có 9 khu đất qua thông tin quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất không có pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán lại cho người dân.
UBND quận Bình Tân cho biết, hiện các dự án này đang đăng thông tin quảng cáo trên các trang mạng xã hội internet. Một số đối tượng còn công khai giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất phân lô, đồng thời cam kết trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở. Hình thức mua bán là lập vi bằng, hợp đồng góp vốn…
Các khu đất này trải dài trên sáu phường An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A và hiện đang được một số Công ty rao bán: Công ty TNHH phát triển nhà ở Nablalan; Công ty Hoàng Kim Land; Công ty Đất Vàng Hoàng Gia; Công ty Angel Lina; Công ty Bất Động Sản Anh Kiệt; Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài.
Tấm biển cảnh báo đặt cạnh khu đất bị phân lô, bán nền trái phép tại quận Bình Tân, TP HCM.
Theo UBND quận Bình Tân, các khu đất trên hiện đang quy hoạch đất cây xanh, giáo dục, công trình công cộng… không được phép phân lô, tách thửa. Không đảm bảo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không tiếp giáp đường giao thông…
Trước đó, vào tháng 5/2019, UBND quận 12, TP HCM cũng đã có văn bản cảnh báo về tình trạng phân lô rao bán đất nền trái phép tại 10 khu đất trên địa bàn quận này trong thời gian qua.
UBND quận 12 cho biết, hiện nay, tình hình vi phạm trong hoạt động xây dựng, tình trạng san lấp, đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đính ghi trên giấy chứng nhận… tại địa bàn phường Thạnh Xuân đang diễn biến phức tạp.
Qua kiểm tra, UBND phường Thạnh Xuân đã phát hiện các trường hợp người dân tự ý san lấp mặt bằng , đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường cống thoát nước, điện) và tự phân lô bán nền.
Quận 12 khẳng định các khu đất này đều không đủ điều kiện giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở, cấp giấy phép xây dựng và tách thửa. Vì vậy, hạng mục xây dựng mới trên các khu đất này là xây dựng không phép.
Câu chuyện các dự án “ma”, phân lô bán nền trái phép tại quận Bình Tân hay quận 12 không phải là hiếm bởi trong thời gian gần đây, những dự án tương tự như trên xuất hiện khắp nơi.
Một số quận/huyện khác như Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn, huyện Củ Chi... cũng đồng loạt phát đi các thông báo, cắm biển cảnh báo lừa đảo bán đất nền tại nhiều khu vực để người dân nắm rõ thông tin.
Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ riêng thị xã Phú Mỹ có tới 113 dự án “ma” là đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân tự ý mở đường, phân lô bán trái phép. Trước đó, hồi tháng 3, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải tổ chức họp báo thông tin về hàng chục dự án “ma” được Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba ngang nhiên quảng cáo, rao bán tại huyện Long Thành.
“Chiêu trò” của các môi giới, đơn vị phân phối
Dự án “ma” là những dự án “bánh vẽ”, không có thật hoặc không đầy đủ pháp lý nhưng người bán, kẻ môi giới vẫn vẽ nên một bức tranh hoành tráng để lấy tiền thật của người mua. Đến khi mọi chuyện đổ bể, hậu quả sẽ là thiệt hại, rủi ro do chính người mua phải gánh chịu.
Quận 12, TP HCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua bán đất thông qua hình thức lập vi bằng.
Thông qua mạng xã hội và Internet, hàng loạt dự án BĐS được quảng cáo tràn lan, một số chủ đầu tư rao bán với hình thức mua bán lập vi bằng và hợp đồng góp vốn. Đặc biệt, các thông tin rao bán cũng nhấn mạnh, chỉ cần đặt cọc một khoản tiền thì khoảng thời gian ngắn (từ 6 - 12 tháng), người mua sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do thiếu thủ tục pháp lý, chủ đầu tư thường liên kết với các sàn giao dịch bất động sản lách luật bằng hình thức ký kết với khách hàng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng đặt giữ chỗ… khiến nhiều người không nắm rõ luật, không kiểm tra kỹ càng pháp lý dự án dễ dàng “mắc bẫy”.
Những chủ đầu tư từng nhiều lần có trong danh sách cảnh báo rao bán dự án “ma” của cơ quan chức năng có thể kể đến một số cái tên như: Công ty Angel Lina, Công ty BĐS Hoàng Ân, Địa ốc Alibaba,…
Theo đó, trong số 9 dự án BĐS “ma” đã được UBND quận Bình Tân cảnh báo và nêu đích danh như đã đề cập ở trên, thì có đến 3 dự án thuộc về Công ty Angel Lina, trụ sở tại số 22B Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM.
Ngoài ra nhiều khu đất tại phường An Lạc là thuộc khu đất quy hoạch cây xanh cũng do Cty Angel Lina rao bán theo hình thức góp vốn.
Khách hàng kéo đến trụ sở Công ty Angel Lina đòi tiền và "tố" doanh nghiệp này lừa đảo.
Tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, UBND quận cũng đã có văn bản cũng cảnh báo về việc mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo tại Tổ 5, Khu phố 6 của phường này. Theo phường Linh Trung, Công ty Angel Lina và Cty BĐS Hoàng Ân Group (trụ sở 254 Linh Trung, khu phố 1, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) tham gia phân phối, mua bán tại khu đất này.
Đáng chú ý, trưa 7/6 vừa qua, nhiều người dân đã kéo đến trụ sở của doanh nghiệp này căng băng rôn với nội dung: “Yêu cầu Cty Angel Lina trả lại tiền chiếm đoạt cho chúng tôi” để đòi lại tiền. Tuy nhiên, ngay lập tức những đối tượng lạ mặt xuất hiện hăm dọa và xô đẩy để giật tấm băng rôn của người dân…
Điển hình nhất trong việc rao bán các dự án “ma”, từng bị cơ quan chức năng “điểm mặt, chỉ tên” nhiều lần, có thể kể đến là Công ty CP địa ốc Alibaba.
Cách đây hơn 1 năm, địa ốc Alibaba từng bị chính quyền TP.HCM xác định là tác nhân gây nên cơn “sốt giá đất” ở huyện Củ Chi, với hàng loạt dự án “ma”. Sở Xây dựng TP HCM kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra vào cuộc để có hướng xử lý đối với doanh nghiệp này.
Trong khi những sai phạm tại TP.HCM vẫn chưa được xử lý thì Địa ốc Alibaba tiếp tục “vươn vòi” ra Đồng Nai và tiếp tục gây “sóng gió” tại đây. Tháng 11/2018, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh các phi vụ bán đất nền của Địa ốc Alibaba ở địa bàn huyện Long Thành.
Nhân viên Địa ốc Alibaba cản trở lực lượng chức năng cưỡng chế dự án "ma".
Theo đó, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định Địa ốc Alibaba đã quảng bá trên mạng vị trí bán đất nền ở các khu vực phụ cận dự án sân bay quốc tế Long Thành. UBND huyện Long Thành chỉ rõ sai phạm của doanh nghiệp này là móc nối với chủ đất để hợp tác đầu tư bằng cách san ủi, phân lô, sau đó tự ý kết nối hạ tầng đường giao thông khi chưa có giấy phép rồi rao bán…
Tại Vũng Tàu, mới đây nhất, vào sáng 13/6, Địa ốc Alibaba khiến dư luận bức xúc khi lực lượng chức năng TX Phú Mỹ đang tiến hành cưỡng chế đối với các dự án “ma” xẻ đất nông nghiệp làm đường, phân lô trái phép mà Công ty Alibaba tự nhận là dự án của mình thì có nhóm người mặc áo in dòng chữ "Tập đoàn địa ốc Alibaba" đứng tập trung tại khu đất, dùng loa hò hét, lời lẽ kích động, lăng mạ, xúc phạm thậm chí chỉ đạo đập xe, đốt xe và xông vào dùng hung khí hủy hoại tài sản của lực lượng công vụ.
Trước sự việc trên, Công an TX Phú Mỹ đã tạm giữ 2 người thuộc Công ty Alibaba là Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và Trần Quốc Tĩnh để điều tra và xử lý theo quy định.
Hải Lan