Từ năm 2021, cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán diễn ra sôi động trong bối cảnh thị trường chứng khoán lên như diều gặp gió. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không thuận lợi như giai đoạn trước, thanh khoản giảm kỷ lục và dư nợ margin cũng có xu hướng giảm. Thế nhưng, cuộc đua tăng vốn tại các công ty chứng khoán lại không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo đó, nhiều công ty chứng khoán đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Trong đó, hầu hết các công ty đều đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ trong năm 2023 qua nhiều phương thức.
Điển hình như Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI) dự kiến phát hành hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 30%), qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến cho năm 2023 là 10-20%. VCSC còn có kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cp, chỉ bằng chưa đến một nửa thị giá hiện tại.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng muốn phát hành thêm hơn 57 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 3.806 tỷ đồng lên 4.377 tỷ đồng. Trong đó, phần cổ phiếu phát hành để trả cổ tức là 45,6 tỷ đồng, cổ phiếu phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là 11,4 tỷ đồng.
Cụ thể, phương án phát hành để trả cổ tức thực hiện theo quyền 100:12, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 12 cổ phiếu mới. Còn cổ phiếu phát hành để tăng vốn thực hiện theo quyền 100:3, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) sẽ trình cổ đông phương án phát hành/chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn của công ty để thực hiện các nghiệp vụ; thực hiện hoạt động đầu tư của công ty, bao gồm các chương trình, kế hoạch đầu tư, góp vốn đầu tư, mua cổ phần/phần vốn góp hoặc thực hiện đầu tư vốn dưới hình thức khác; và/hoặc cơ cấu nợ.
TPS dự kiến phát hành thông qua hai phương án, đó là phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với một trong hai tỷ lệ thực hiện quyền, gồm 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1) hoặc 200 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1). Giá phát hành dự kiến không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Phương án thứ hai, chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc quý I/2024.
Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán VIX (mã: VIX) muốn phát hành hơn 29,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2022 cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 20:1 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
Đồng thời, công ty dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với số lượng hơn 58,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).
Tính chung, tỷ lệ cổ tức và thưởng cổ phiếu là 15%, tương ứng hơn 87,3 triệu cp. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VIX sẽ tăng từ hơn 5.821 tỷ đồng lên gần 6.695 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã chứng khoán BSI) muốn tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành thêm gần 15 triệu cổ phiếu, trong đó 9,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 5%), và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thường (tỷ lệ 3%). Sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng thêm từ 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng.
Việc tăng vốn với của công ty chứng khoán là điều kiện tiên quyết để gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chẳng hạn như margin được quyết định bởi quy mô vốn công ty, không tăng vốn sẽ không có khả năng cạnh tranh. Theo quy định, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó.
Sở hữu trí tuệ
In bài viết