Số tiền chênh lệch đáng suy ngẫm
Trong đấu thầu, khi một gói thầu được tổ chức đúng quy trình, công khai, minh bạch thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa vấn đề tham nhũng và những hành vi gây thất thoát ngân sách. Thế nhưng, thực tế, những sự móc nối tinh vi, hay sai sót trong khâu tổ chức, thẩm định giá, xây dựng hồ sơ mời thầu, chấm thầu… đã dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm quy định trong đấu thầu, gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, khâu thẩm định giá rất quan trọng, tuy không quyết định toàn bộ đến kết quả cuộc thầu, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì sẽ gây nên những hệ lụy khó lường.
Thời gian qua, bộ Công an và công an các tỉnh, thành đã liên tục điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo, giám đốc bệnh viện, doanh nghiệp… vì liên quan đến vi phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư y tế. Nhiều doanh nghiệp thẩm định giá cũng bị “tuýt còi”, có những thẩm định viên về giá vướng vòng lao lý…
Từ thực tiễn đó, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã tổ chức triển khai chuyên đề nghiên cứu về trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu do các sở, ban, ngành tổ chức nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công.
Đơn cử tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, theo Quyết định số 1089/QĐ-BVĐKT ngày 22/9/2021, Giám đốc Nguyễn Hoàng Diệu phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Mua sắm máy xét nghiệm sinh hóa tự động và máy miễn dịch tự động (gói thầu số 02). Đây là gói thầu thuộc loại hoạt động chi thường xuyên, sử dụng ngân sách tỉnh năm 2021.
Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiết bị Y tế (MST: 0105411818; địa chỉ: số 63 phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với giá trúng thầu 9.764.000.000 đồng (bằng chữ: Chín tỷ, bảy trăm sáu mươi bốn triệu đồng). Đây là nhà thầu duy nhất tham gia và trúng gói thầu này mặc dù gói thầu được triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước và qua mạng.
So với mức dự toán 9.765.945.000 đồng (bằng chữ: Chín tỷ, bảy trăm sáu mươi lăm triệu, chín trăm bốn mươi lăm nghìn đồng), số tiền tiết kiệm sau đấu thầu cho ngân sách Nhà nước chỉ gần 2 triệu đồng, đạt tỉ lệ “tượng trưng” 0,02%.
Khi nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu đơn giá hàng hóa trong gói thầu, PV nhận thấy, cả hai sản phẩm được mua sắm đều có dấu hiệu giá cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu.
Cụ thể, máy xét nghiệm sinh hóa tự động (model: Atellica CH 930), thuộc hãng sản xuất Siemens Healthcare Diagnostics Inc, xuất xứ Mỹ được công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiết bị Y tế cung cấp có đơn giá trúng thầu là 5.234.000.000 đồng (hơn 5,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo như PV tìm hiểu được, thiết bị này với cùng model, hãng sản xuất được nhập khẩu từ Mỹ có giá 3.436.781.609 đồng (hơn 3,4 tỷ đồng). Giá trúng thầu cao hơn giá nhập khẩu 1.797.218.391 đồng (hơn 1,7 tỷ đồng).
Tương tự, Máy xét nghiệm miễn dịch tự động (model: Atellica IM 1300; hãng sản xuất: Siemens Healthcare Diagnostics Inc) được nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ ngày 27/12/2021 có giá 3.220.000.000 đồng (hơn 3,2 tỷ đồng, giá đã bao gồm VAT). Trong khi đó, đơn giá trúng thầu là 4.530.000.000 đồng (hơn 4,5 tỷ đồng). Như vậy, tổng tiền chênh lệch là 1.310.000.000 đồng (hơn 1,3 tỷ đồng).
Như vậy, tổng số tiền chênh lệch so với giá nhập khẩu lên tới hơn 3,1 tỷ đồng. Biết rằng nhà thầu sẽ phải chịu thêm một số chi phí khác khi đưa sản phẩm đến chủ đầu tư như kho bãi, vận chuyển… nhưng con số chênh lệch quá lớn này là một điều đáng suy ngẫm.
Cần chủ đầu tư xác minh thông tin báo nêu
Khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, sẽ không có chuyện nâng giá thiết bị y tế để trục lợi tại gói thầu đã nêu ở trên. Vì vậy, để có những thông tin khách quan, đa chiều nhất, PV liên hệ tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng không nhận được phản hồi.
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Công Tín (công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) đánh giá: “Trong vụ việc này, với tư cách là chủ đầu tư và có liên quan trực tiếp đến gói thầu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cần phải nhanh chóng vào cuộc xác minh các dấu hiệu sai phạm mà PV, cơ quan báo chí phản ánh. Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra xác định có sai phạm cần xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có khiếm khuyết, vi phạm hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, khởi tố theo thẩm quyền”.
Liên quan đến sự chênh lệch giá trong gói thầu trên, luật sư Tín nêu quan điểm: “Trong dự toán gói thầu thì giá này đã bao gồm thuế và các chi phí khác (như chi phí vận chuyển, lắp đặt…). Nhưng chi phí này đội lên hơn 3 tỷ đồng thì rõ ràng là bất thường, có dấu hiệu “đội giá” gói thầu, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, làm rõ và nếu có vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.”
“Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi “đội giá” gói thầu nhằm trục lợi hoặc gây thiệt hại cho Nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222 Bộ Luật Hình sự); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 Bộ Luật Hình sự); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ (Điều 356 Bộ Luật Hình sự)…”, Luật sư Tín nhấn mạnh.
Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (được bổ sung bởi điểm k khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu;
- b) Thông thầu;
- c) Gian lận trong đấu thầu;
- d) Cản trở hoạt động đấu thầu;
đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;
- e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;
- g) Chuyển nhượng thầu trái phép.
Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
- a) Vì vụ lợi;
- b) Có tổ chức;
- c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ phạm tội với mức xử phạt có thể lên đến 20 năm tù.
|