Trước đó, theo phản ánh của VTV24, một nhân viên kinh doanh tự giới thiệu là người của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert đã mời chào làm chứng nhận khống. Sự việc này được PV của VTV24 vào vai doanh nghiệp có nhu cầu và đặt vấn đề với nhân viên của VinaCert. Ngay sau đó, sự việc được "phanh phui" khiến dư luận hoang mang với những lời hứa của nhân viên VinaCert về một quy trình "nhảy cóc" kỳ diệu và rút ngắn thời gian bất ngờ, trái với quy trình chuẩn.
Sản phẩm hữu cơ không phải vì lợi nhuận (ảnh minh họa)
Theo nhân viên này, VinaCert có thể cấp chứng nhận VietGap trong vòng 1 tháng rưỡi giá là 45 triệu đồng, còn cấp nhanh hơn nữa trong hai tuần thì cần tăng giá lên gấp đôi là 90 triệu đồng mà không cần phải đúng quy trình.
Nhân viên này còn quảng cáo quy trình của cả tư vấn và cấp chứng nhận là 4 tháng, nhưng hoàn toàn có thể rút xuống một tháng rưỡi với một thủ thuật "nhảy cóc", nhân viên này cho biết 70% các khâu trong quá trình sản xuất có thể bị bỏ qua và để bỏ qua không ty đã không ngại làm khống một phần hồ sơ.
Sau khi Công ty VinaCert bị phát hiện có hành vi chào bán giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Cục Trồng trọt xác định đây là hành vi không đúng và lập tức đình chỉ VinaCert một năm không được tham gia cấp chứng nhận này. Hình thức kỷ luật này, theo chính đại diện Cục Trồng trọt, là quá nhẹ đối với hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.
Đặc biệt, sự việc trên đã làm cho lòng tin về những sản phẩm được “chứng nhận” của người tiêu dùng bị lung lay. Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Oganica cho biết, để đạt được chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA organic) và Liên minh châu Âu (EU), đơn vị của anh phải mất ba năm để chứng minh cho đơn vị cấp phép các chỉ tiêu về vùng đất, nguồn nước, vị trí đặt trang trại cách xa khu dân cư, chất lượng phân hữu cơ…; tốn kém nhiều chi phí cho các kiểm định. Đã vậy, trong suốt quá trình canh tác sau khi đạt chứng nhận vẫn phải chịu sự giám sát của các tổ chức này.
Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có 23 đơn vị cấp VietGAP được Cục chỉ định. Trong 5 năm qua, Cục cũng đã kiểm tra ít nhất hai lần với 1.454 cơ sở được cấp VietGAP, với hình thức kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch. Liệu với tần suất kiểm tra này thì có kiểm soát nổi những hành vi gian dối của các đơn vị (?).
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nước ta chưa có bộ quy chuẩn rõ ràng về thực phẩm hữu cơ nên tiêu chuẩn này bị lợi dụng, người tiêu dùng phải trả giá cao mà không mua được sản phẩm đúng tiêu chuẩn như mong muốn. Bà Mayu, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn) cho rằng, cái khó của việc sản xuất thực phẩm hữu cơ không phải ở tờ giấy chứng nhận mà xuất phát từ cái tâm của người làm. Làm sản phẩm hữu cơ không thể vì lợi nhuận, nếu đặt lợi nhuận lên trên chất lượng sản phẩm thì không thể bền vững.
Dung Nguyễn (Theo VTV24, PNTPHCM)