Báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu 2017 (Worldwide Cost of Living) EIU cho biết, do tác động của Brexit khiến đồng bảng Anh mất giá 15%, giá cả tại London cũng trở nên rẻ hơn cho du khách nước ngoài, đặc biệt rất nhiều khách du lịch quốc tế đến đây để mua sắm.
Giá cả tại London cũng trở nên rẻ hơn do tác động từ Brexit
Đây là lần đầu tiên trong vòng 15 năm trở lại đây, London có mức chi phí sinh hoạt thấp hơn New York và giá cả sinh hoạt tại thành phố Manchester (Anh) hiện ngang với mức tại Bangkok (Thái Lan).
Theo xếp hạng của EIU, 5 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới lần lượt là Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Tokyo (Nhật), Zurich (Thụy Sĩ) và Osaka (Nhật).
Singapore đã 4 năm liên tiếp đứng đầu danh sách chi phí đắt đỏ nhất thế giới.
Seoul (Hàn Quốc) đứng thứ 6, Genava (Thụy Sỹ) và Paris (Pháp) cùng xếp thứ 7. Tiếp sau trong top 10 lần lượt là New York (Mỹ) và Copenhagen (Đan Mạch).
Trong khi đó, đứng đầu danh sách các thành phố có chi phí sống rẻ nhất là Almaty (Kazakhstan), Lagos (Nigeria), Bangalore (Ấn Độ), Karachi (Pakistan) và Algiers (Algeria). Các thành phố khác của Ấn Độ là Chennai, Mumbai và New Delhi cũng nằm trong top 10.
Khảo sát của EIU được thực hiện tại 133 thành phố trên thế giới, so sánh giá cả hơn 160 loại sản phẩm và dịch vụ, như thực phẩm, trang phục, giao thông, giáo dục của các thành phố này. Những thông tin dùng trong báo cáo được đăng tải trực tuyến, giúp tính toán chi phí khi đi công tác hoặc làm việc tại nước ngoài.
Trâm Anh