“Bom tấn” lợi nhuận từ lãi cho vay
Trước thời điểm Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2016, có nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu kết quả kinh doanh của VPBank trong Quý 3 và 9 tháng sẽ một lần nữa vụt sáng như năm 2015.
Và VPBank một lần nữa khiến hệ thống ngân hàng phải ngạc nhiên trước kết quả lợi nhuận khổng lồ của mình. Cụ thể, sau 9 tháng VPBank thu về tới 10.591 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 45% so với cùng kỳ; con số này chỉ kém nhóm “tam trụ” ngân hàng là Vietinbank, BIDV và Vietcombank và dẫn đầu trong khối ngân hàng thương mại không có vốn sở hữu Nhà nước. Thậm chí, thu nhập lãi thuần của VPBank chỉ kém Vietcombank khoảng 3.000 tỷ đồng, trong khi nếu so sánh về cả quy mô tổng tài sản lẫn dư nợ tín dụng Vietcombank đều gấp nhiều lần VPBank.
VPBank là ngân hàng dẫn đầu về thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm trong khối ngân hàng thương mại không có vốn sở hữu Nhà nước. Ảnh: QT.
Có thể nói, VPBank hiện đang là ngân hàng cho vay hiệu quả hàng đầu hệ thống ngân hàng với những khoản lãi khổng lồ từ cho vay. Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay VPBank thu về tổng cộng 18.170 tỷ đồng tiền lãi và các khoản thu nhập tương tư, tăng 36%; trong khi chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự VPBank phải trả chỉ là 7.579 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.
9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế VPBank đạt tới 3.146 tỷ đồng, tăng tới 35% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện tại, VPBank là ngân hàng có kết quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm cao nhất trong khối ngân hàng không có vốn sở hữu Nhà nước. Lãi ròng sau thuế VPBank đạt 2.622 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Mặc dù, 9 tháng VPBank phải chi ra tới gần 4.000 tỷ đồng tiền trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tương đương tỷ lệ trích lập lên tới 56% thế nhưng nhờ khoản tăng khổng lồ của thu nhập lãi thuần và khoản lãi từ hoạt động dịch vụ mà lợi nhuận ngân hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt.
Như vậy, tuy có dấu hiệu giảm đà tăng trưởng chỉ số ngân hàng từ giai đoạn giữa năm nay nhưng VPBank vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt về lợi nhuận. Nên nhớ năm 2015 là năm đại thắng của VPBank với kết quả lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục 3.096 tỷ đồng. Thì chỉ sau 9 tháng đầu năm nay, VPBank đã thu về tới 3.146 tỷ đồng lãi trước thuế và với đà tăng trưởng lợi nhuận này nhiều khả năng 3 tháng cuối năm lợi nhuận VPBank sẽ còn tăng cao nữa.
Thực chất, khoản lợi nhuận của VPBank tăng mạnh là do chiến lược phát triển của ngân hàng khi mà VPBank là một trong số những ngân hàng tập trung khá mạnh vào hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ và mảng cho vay tín dụng tiêu dùng.
Nếu như mảng hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn đang là “đại dương xanh” của các ngân hàng, hàng năm đóng góp đều đặn hàng trăm tỷ đồng vào lợi nhuận của VPBank thì mảng hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” cho VPBank thông qua công ty con là Công ty tài chính FE Credit.
Năm 2015, đóng góp vào khoản lợi nhuận khổng lồ hơn 3.000 tỷ đồng của VPBank thì có đến gần 1/3 là lợi nhuận từ FE Credit. Cho đến hiện tại, với mức quy mô tín dụng gần 130.000 tỷ đồng của VPBank thì có tới 22% trong số đó là dư nợ của FE Credit, tương đương gần 28.600 tỷ đồng. Trong năm 2015, khoản dư nợ tại FE Credit cũng chiếm xấp xỉ 20% tổng dư nợ của VPBank.
Mặc dù, các ngân hàng khác như HDBank hay SHB… đã để mắt và tham gia vào thị trường cho vay tín dụng tiêu dùng thế nhưng với lợi thế của mình VPBank vẫn dễ dàng sở hữu phần lớn thị phần cho vay tiêu dùng và thu về lợi nhuận khổng lồ từ mảng kinh doanh béo bở này.
Lãi từ cho vay tiêu dùng cùng với lãi suất từ dư nợ cho vay trung và dài hạn gần 76% là nguồn thu nhập đóng góp chính vào kết quả lợi nhuận thành công của VPBank sau 9 tháng đầu năm nay.
Không chỉ vậy với việc gần 76% tổng dư nợ là cho vay trung và dài hạn, thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng, VPBank cũng thu về hàng chục nghìn tỷ đồng tiền lãi từ các khoản cho vay trung và dài hạn của mình.
Tính cho tới thời điểm ngày 30/9/2016, tổng tài sản của VPBank vào khoảng 205.740 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 129.946 tỷ đồng, tăng 11%; trong khi huy động vốn của VPBank tiếp tục đà giảm và âm so với đầu năm gần 3% đạt 126.528 tỷ đồng.
Tổng giá trị nợ xấu hiện tại của VPBank vào khoảng 4.013 tỷ đồng, trong đó có 989 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn; 850 tỷ đồng là nợ nghi ngờ và tới hơn 2.174 tỷ đồng là nợ dưới tiêu chuẩn. Khoản nợ dưới tiêu chuẩn lớn này phản ánh đúng tính chất của các khoản cho vay tiêu dùng đó là lãi suất cao nhưng khả năng rủi ro luôn dình dập.
Tỷ lệ nợ xấu tính cho tới ngày 30/9 của VPBank là 3,09% tổng dư nợ, trong đó tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ là 2,35% và nợ xấu của FE Credit là 5,69%.
Quang Thắng