Bộ Xây dựng nói gì về việc người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội?

Luật Nhà ở hiện quy định điều kiện để người lao động được mua nhà ở xã hội là không đóng thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở xã hội đang được giao dịch với giá gấp đôi lúc mở bán cách đây 5-7 năm.

Bộ Xây dựng nói gì về việc người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội?
Bộ Xây dựng nói gì về việc người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà ở xã hội?

Luật gây khó cho người lao động

Cử tri Đà Nẵng vừa phản ánh Luật Nhà ở hiện quy định điều kiện để người lao động được mua nhà ở xã hội là không đóng thuế thu nhập cá nhân. Với quy định này, người lao động muốn thuê, mua nhà ở xã hội là rất khó.

Theo cử tri, trong khi giá cả thị trường luôn biến động và tăng cao, người lao động phải nỗ lực làm tăng ca, tăng giờ, mức thu nhập nhiều khi sẽ chạm đến con số bị đánh thuế, khi đó sẽ không bảo đảm điều kiện được mua nhà ở xã hội. Vì vậy, cử tri đề nghị xem xét, bỏ quy định này.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng cho biết theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội (bao gồm cả hình thức mua, thuê, thuê mua) phải đồng thời đảm bảo 3 điều kiện.

Cụ thể, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu (dưới 10m2/người), đồng thời phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

“Quy định nêu trên dẫn đến việc xác minh đối tượng, điều kiện... phức tạp, rườm rà, khó khăn cho người dân”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện tại Chính phủ đang trình Quốc hội khóa XV dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng giảm các điều kiện khi thuê, mua nhà ở xã hội. Trong đó quy định cụ thể tại Điều 75, Điều 90 của dự thảo về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Nếu thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.

Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ phải đáp ứng 2 điều kiện (nhà ở, thu nhập). Trong đó điều kiện về thu nhập là thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Nếu thuê nhà lưu trú công nhân thì chỉ cần có hợp đồng lao động và xác nhận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp.

Giá nhà ở xã hội tăng gấp đôi sau 5 năm

Nhà ở xã hội cách đây 5 -7 năm được bán với giá 14-15 triệu đồng/m2 nay các căn hộ tại các dự án này được chào bán lên gấp 2 lần với mức trên 30 triệu đồng/m2. Đơn cử, dự án nhà ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) với hơn 600 căn hộ được bán từ năm 2016 với giá 14 triệu đồng/m2, trong đó có 80% nhà ở xã hội. Sau khi bàn giao nhà vào năm 2017 cho đến nay, giá bán căn hộ lên mức 30 triệu đồng/m2.

Hay như dự án nhà ở xã hội tại Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) do HUD làm chủ đầu tư. Dự án được bàn giao năm 2016 với giá bán hơn 13 triệu đồng/m2, thế nhưng đến nay giá căn hộ tại đây lên 31 triệu đồng/m2. Còn nhà ở xã hội Rice City Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) được bán với giá hơn 13 triệu đồng/m2 cách đây 5 năm nhưng nay giá lên mức 28 triệu đồng/m2.

Một dự án nhà ở xã hội Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) là dự án nhà ở xã hội lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội với hơn 300 căn giá hơn 8 triệu đồng/m2 cách đây hơn 10 năm. Nay mỗi m2 căn hộ tại đây lên tới 31,5 triệu đồng/m2.

Tương tự, dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 tại khu đô thị Bắc Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm hiện được bán ở mức từ 25 triệu đồng mỗi m2. Trước đó, năm 2013, dự án này mở bán với chỉ hơn 10 triệu đồng mỗi m2 và bàn giao cho cư dân năm 2015. Căn nhỏ nhất tại chung cư này với hơn 36m2 hiện có giá chào bán khoảng 1,1 tỷ đồng, còn còn căn lớn nhất trên 65m2 khoảng 1,8 tỷ, tương đương 27 triệu đồng mỗi m2.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhu cầu thị trường quá cao là lý do chính khiến giá nhà ở xã hội liên tục đi lên trong những năm qua.

Hiện chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó có cơ hội mua nhà ở. Trong khi đó, so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà ở chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như TP. HCM hay Hà Nội còn dư lại khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần ít nhất 20 năm mới tích cóp được 1,5 tỷ đồng; còn với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng phải tích cóp trong 10-15 năm.

Lệ Chi

VietnamFinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục