Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Đức ARD, Phó Thủ tướng, đồng thời là Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel ngày 14/6 đã bác bỏ việc cứu Hy Lạp, quốc gia đang ngập trong nợ “bằng mọi giá”. Phát biểu này của ông Gabriel trái ngược với tuyên bố trước đó của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho rằng cần giữ Hy Lạp ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bằng mọi giá.
Chương trình cứu trợ 240 tỷ euro mà EU và IMF dành cho Hy Lạp sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6
Ông Gabriel cho rằng không chỉ thời gian đã cạn, mà sự kiên trì của nhiều nước châu Âu cũng đã hết. Theo ông, quan điểm của Chính phủ Hy Lạp cho rằng các nước châu Âu cần phải chung tay làm tất cả vì lo sợ sự đổ vỡ của Athens là điều không xảy ra và châu Âu sẽ không sợ bị đe dọa vì điều này.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách kinh tế và xã hội số của Liên minh châu Âu (EU) Günther Oettinger đã kêu gọi cần có kế hoạch khẩn cấp cho Hy Lạp trong trường hợp nước này rời Eurozone. Phát biểu tại một cuộc họp của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) tại Berlin sáng 15/6, ông Oettinger cho rằng trong trường hợp Athens không chấp thuận cắt giảm lương hưu theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế và đàm phán đổ vỡ, Athens sẽ trở thành một "Vùng khẩn cấp" từ 1/7 tới, trong đó hàng loạt vấn đề nổi lên như việc cung cấp năng lượng, an ninh nội địa hay vấn đề y tế.
Theo ông, song song với các cuộc đàm phán đang diễn ra, EU cần chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp cho Athens.
Tuy nhiên, nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề nợ của Hy Lạp tiếp tục rơi vào bế tắc, sau khi các cuộc đàm phán giữa Athen và các chủ nợ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về giải ngân đợt cuối cùng trong gói cứu trợ phối hợp giữa hai tổ chức này thất bại trong ngày 15/6.
Cả hai phía tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đàm phán nhưng không đưa ra bước đi mang tính quyết định nhằm khai thông bế tắc.
Chương trình cứu trợ 240 tỷ euro mà EU và IMF dành cho Hy Lạp năm 2010 sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6 tới trong khi các cuộc đàm phán về giải ngân 7,2 tỷ euro (8,1 tỷ USD) còn lại trong chương trình này liên tục bế tắc trong năm tháng qua. Hy Lạp còn phải thanh toán nợ 1,6 tỷ euro cho IMF vào cuối tháng này và 6,7 tỷ euro cho ECB vào tháng Bảy và tháng Tám tới.
Trâm Anh (TH)