Bộ Tài chính vẫn muốn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt

Bộ Tài chính vẫn giữ đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, trừ sữa và nước dinh dưỡng trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trong dự thảo mới nhất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ này vẫn giữ quan điểm nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, trừ sữa và nước dinh dưỡng. 

Theo Bộ Tài chính, đồ uống có đường (nước ngọt) nên chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "với mức phù hợp". Bộ Tài chính lý giải, việc đánh thuế này nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao..
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao..

Số liệu của Bộ Tài chính đưa ra cho thấy tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.

Không chỉ vậy, kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000-2010 và 2010-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn.

Điểm mới là trong dự thảo lần này là Bộ Tài chính sửa khái niệm "đồ uống có đường" thành "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)" sau khi tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp, để áp thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Theo đó, đồ uống có đường vẫn nằm trong diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng sữa và sản phẩm từ sữa sẽ không chịu thuế này do không phải nước giải khát theo TCVN và là mặt hàng dinh dưỡng sức khỏe. 

Bên cạnh đó, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không thuộc diện bị áp thuế. 

Như vậy, các sản phẩm nước giải khát có đường theo TCVN, gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao, các loại nước sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát theo hàm lượng đường, nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng đường thấp. 

Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Theo họ nó không giúp giải quyết vấn đề thừa cân béo phì, mà tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt. Chưa kể, chính sách này sẽ gây ra những hệ lụy không mong muốn với các ngành khác có liên quan, như mía đường, bán lẻ, bao bì. 

Với vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đánh thuế đồ uống có đường đã trở thành xu thế chung. Tổ chức y tế thế giới - WHO đã khuyến nghị chính phủ các nước hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua việc đánh thuế vào nước giải khát có đường, để định hướng tiêu dùng. 

Các nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện có khoảng 85 quốc gia áp thuế này, tăng gần 6 lần so với cách đây 10 năm. Việc áp thuế mang lại hiệu quả giảm tiêu thụ đường, theo Bộ Tài chính. Như tại Mexico, sau 2 năm áp dụng, các hộ gia đình đã giảm 12% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ USD. Trong ASEAN, có 6 trên 10 nước gồm Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. 

Hoài Thương

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục