Xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa
Bộ Công Thương vừa gửi các văn bản đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và Công ty cổ phần Fococev Việt Nam yêu cầu các đơn vị này thực hiện nội dung liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ được ban hành ngày 7/7.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, đối với VNSteel, Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện nghiêm các kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra, đặc biệt là việc xử lý về kinh tế và đất đai. Đồng thời, công ty phải báo cáo về việc xác định giá trị tài sản cố định là máy móc, thiết bị tại Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ, Công ty Thép Miền Nam khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Công ty báo cáo về việc xác định giá trị quyền sử dụng một số thửa đất theo phương án là giao đất khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Thông tin về khoản đầu tư tài chính dài hạn của VNSteel vào Liên doanh Trung tâm Thương mại Quốc tế (IBC) và việc quyết toán cổ phần hóa VNSteel, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương Việt Nam từ Bộ Công Thương về VNSteel và sử dụng đất đai của công ty này theo phương án cổ phần hóa; việc thoái vốn của VNSteel.
Đối với PVN, Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo người đại diện tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) tổ chức triển khai rà soát, xử lý, thực hiện nghiêm các kiến nghị đã nêu và xử lý về kinh tế tại kết luận thanh tra theo đúng quy định.
PVN cũng được giao báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa PVN; việc trích lập quỹ khoa học công nghệ của BSR; việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa BSR; việc xác định giá trị tiềm năng phát triển của doanh nghiệp trong giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa PVCFC.
Tập đoàn này cũng phải báo cáo về việc xử lý tài chính với khoản lãi chênh lệch tỷ giá khi lập báo cáo tài chính từ thời điểm cổ phần hóa đến thời điểm đăng ký kinh doanh chuyển sang công ty cổ phần; việc phê duyệt quyết toán vốn nhà nước, xác định tiền cổ phần hóa nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại PVN, việc thoái vốn của PVN.
Với VEAM, ngoài yêu cầu xử lý nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về kinh tế và đất đai được nêu tại kết luận thanh tra, Bộ Công Thương yêu cầu công ty này xử lý các khoản công nợ, đối chiếu công nợ, xử lý các khoản phải thu với các công ty thành viên do VEAM đã cho vay hỗ trợ vốn.
Báo cáo về các khoản lỗ lũy kế tại công ty con, công ty liên kết… khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Việc xác định giá trị phần vốn đầu tư của VEAM tại Công ty cổ phần Vật tư và Thiết bị toàn bộ và Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công khi xác định giá trị doanh nghiệp, việc xác định tài sản bất động sản trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Phương án sử dụng đất đai khi cổ phần hóa Công ty Sông Công; việc bán cổ phần và thoái vốn tại VEAM…
Công ty Fococev Việt Nam được yêu cầu thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, báo cáo nội dung liên quan đến các kiến nghị đã nêu như xử lý công nợ trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, nộp tiền cổ phần hóa, phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa…
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp trên tổ chức rà soát, lập danh sách các tập thể, cá nhân có liên quan đến hạn chế, khuyết điểm đã nêu tại kết luận thanh tra, đảm bảo đúng và đầy đủ. Các đơn vị gửi danh sách, kế hoạch kiểm điểm và xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan về Bộ Công Thương.
Chuyển Bộ Công an xác minh điều tra
Trước đó, chiều 11/8, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công thương. Tại buổi công bố kết luận thanh tra, đại diện đoàn thanh tra đã trình bày nội dung Kết luận thanh tra số 1538/KL-TTCP ngày 7/7/2023 của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra cụ thể những tồn tại, hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Đối với việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp, cơ quan thanh tra xác định tại VNSteel, việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp có một số nội dung là không đúng.
Ví dụ, việc xác định tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của 127 máy móc thiết bị của Thép miền Nam và Thép tấm lá Phú Mỹ là không đúng, nên xác định giá trị tài sản không đúng, thiếu 344,7 tỷ đồng. Hay việc xác định giá trị 2 thửa đất tại Hà Nội và TP.HCM là 313,9 tỷ đồng, nhưng VNSteel chưa hoàn thành thủ tục để nộp ngân sách khi thực hiện cổ phần hóa.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra: PVN khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa PVCFC sai công thức. Dẫn tới giá trị thực tế phần vốn nhà nước để cổ phần hóa doanh nghiệp này thiếu hơn 261 tỷ đồng, cùng với khoản lãi chênh lệch tỷ giá 79,8 tỷ đồng chưa được xử lý.
Đối với BSR, việc áp dụng tỷ lệ trích tối đa (10%) quỹ khoa học công nghệ/thuế thu nhập doanh nghiệp là thiếu cơ sở, vượt tỷ lệ tối thiểu.
Do đó, số tiền trích vượt 381,3 tỷ đồng, nên BSR xác định thiếu lợi nhuận sau thuế phải nộp về PVN là 362,3 tỷ đồng, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp là 19 tỷ đồng.
Tại VEAM, việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa chưa đối chiếu đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả lên tới hàng nghìn tỷ đồng, được cơ quan thanh tra xác định là vi phạm quy định.
Việc Bộ Công Thương phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa VEAM, gồm có 2 khoản đầu tư góp vốn tại Matexim Hà Nội và Disoco là không đúng thời điểm, làm giảm giá trị doanh nghiệp.
Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm và đầu tư (Fococev) được xác định có vi phạm khi xử lý tài chính với khoản nợ phải thu quá hạn không có khả năng thu hồi nên không xác định giá trị doanh nghiệp.
Đáng chú ý, báo Lao động đưa tin, tại Công ty Fococev, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm trong việc quản lý, sử dụng khu đất 1.124,7m2 tại đường Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và khu đất 596m2 tại thôn 2, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk như vi phạm quy định về quy trình lập phương án sử dụng đất và phê duyệt trong phương án cổ phần hóa quy định tại Nghị định 59/2011, dẫn đến không quản lý được và không thực hiện được phương án sử dụng 2 khu đất theo phương án cổ phần hóa Fococev, có nguy cơ thất thoát, lãng phí đất đai của Nhà nước.
Trong đó với khu đất 1.124,7m2 tại đường Trần Phú, trước và khi cổ phần hóa, Fococev chỉ tiếp nhận bàn giao theo ghi nhận sổ sách từ Công ty Vật tư tổng hợp Khánh Hòa chứ không có bàn giao theo thực trạng. Trên diện tích đất này, Công ty Vật tư tổng hợp Khánh Hòa bố trí cho các hộ dân ở từ năm 1994 với lý do các hộ thiếu nhà ở; từ đó đến nay, các đơn vị được giao quản lý trước cho đến Fococev đều không quản lý được khu đất, chỉ theo dõi treo và luân chuyển, bàn giao trên sổ sách.
Đáng chú ý, trước khi thực hiện cổ phần hóa Fococev, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc sắp xếp lại đất đai tại Fococev, vi phạm Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Fococev chưa hoàn thành thủ tục chuyển các loại đất, chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai nhưng đã thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và bàn giao sang công ty cổ phần là vi phạm Nghị định 189/2013 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Từ kết quả kiểm tra, xác minh này, Thanh tra Chính phủ cho biết, chuyển thông tin vụ việc vi phạm để Bộ Công an xác minh, điều tra, xử lý theo quy định.