Bộ Công Thương: Tiếp tục chấn chỉnh mạng lưới bán hàng đa cấp

(Kinhdoanhnet) - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định ngay sau khi cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, 6 tháng sau Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra và hoạt động này diễn ra thường xuyên.

Sau khi Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) công bố kết quả kiểm tra 4/7 doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán hàng đa cấp (BHĐC), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: "Tôi không cho rằng Bộ Công Thương đã buông lỏng quản lý".

Bộ Công Thương: Tiếp tục chấn chỉnh mạng lưới bán hàng đa cấp - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: Dân trí

Thứ trưởng cho biết, xét trên khía cạnh quản lý, chức năng của Bộ Công Thương có 2 trách nhiệm chính gồm: Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho DN theo đúng quy định của pháp luật và sau đó tổ chức kiểm tra.

"Tôi khẳng định ngay sau khi cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp cho DN, 6 tháng sau Bộ Công Thương đã tổ chức kiểm tra và kiểm tra thường xuyên từ đó đến nay.

Đợt kiểm tra vừa rồi cũng là đợt kiểm tra cấp Bộ bao gồm nhiều cơ quan trong Bộ Công Thương để xem xét lại hoạt động bán hàng đa cấp. Ở đây, khi đi kiểm tra, nếu DN vi phạm thì hành vi vi phạm đến đâu xử lý đến đó; nếu có biểu hiện vi phạm hành chính thì xử lý hành chính còn vi phạm khác sẽ chuyển cơ quan chức năng khác để xem xét, xử lý", Thứ trưởng nói.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của các Sở công thương khi để xảy ra sai phạm, ông Khánh chia sẻ: "Các Sở Công Thương cũng đã triển khai kiểm tra hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp rất tích cực theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Tính từ tháng 1/2016, các Sở Công Thương đã xử phạt 42 công ty, kể cả các công ty đã được cấp giấy chứng nhận và chưa được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp".

Thắc mắc về việc kiểm tra 7 DN từ giữa tháng 3/2016 nhưng đến nay mới có kết quả của 4 công ty và 3 công ty còn lại vẫn chưa được công bố, Thứ trưởng lý giải: "Thời gian kiểm tra của đoàn kiểm tra cấp Bộ dài hơn, bên cạnh kiểm tra hành chính đơn thuần, đoàn kiểm tra còn phải kiểm tra việc tổ chức mạng lưới bán hàng đa cấp như thế nào, ký kết hợp đồng ra sao… do đó, mất nhiều thời gian".

Về việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, đặc biệt là đối với những người đã đóng tiền vào mà không nhận được hàng, nhưng cũng không đòi lại được tiền của các công ty đa cấp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết khi kiểm tra đã phát hiện có hai loại đối tượng tham gia mạng lưới đa cấp. Thứ nhất là những người tham gia thực sự, đưa tiền và sau đó có nhận lại hàng để đi bán, nhưng bởi lý do nào đó không tiêu thụ được, nay mong muốn trả lại hàng để nhận tiền theo quy định của pháp luật. Nếu trường hợp đó công ty không nhận lại hàng, không tuân thủ quy định của pháp luật thì Bộ Công thường chắc chắn sẽ vào cuộc, bảo vệ đến cùng quyền lợi của những người tham gia bán hàng đa cấp.

Thứ hai là những người tham gia mạng lưới nhưng không với mục đích bán hàng đa cấp. Họ đưa tiền nhưng không nhận hàng, thậm chí từ chối nhận hàng mà chỉ mong chờ các khoản lãi do công ty chi trả. Đây không phải quan hệ bán hàng đa cấp nữa, nên nếu có tranh chấp giữa những khách hàng với nhau thì phải xử lý theo các quy định khác của pháp luật. Ví dụ nếu có tranh chấp dân sự thì ra tòa án dân sự để xử lý; hoặc một bên cho rằng bên kia có dấu hiệu lừa đảo thì báo cơ quan điều tra để vào cuộc xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Mai Trang (TH theo Báo Chính phủ, Sài Gòn giải phóng)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục