Chiều muộn ngày 11/12, Bộ Công thương cho biết vừa loại khỏi quy hoạch 12 dự án thép với tổng công suất lên đến 6,52 triệu tấn phôi vuông và 1,35 triệu tấn gang, sắt xốp.
Lý do loại bỏ các dự án, theo Bộ Công thương, là do địa phương đề nghị bỏ, chưa có chủ đầu tư, năng lực chủ đầu tư kém, không thuộc phạm vi quy hoạch, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, hoặc chủ đầu tư không thực hiện.
Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ảnh: Tuổi trẻ
Trong số 12 dự án thép bị loại bỏ khỏi quy hoạch, quy mô lớn nhất thuộc về dự án mở rộng dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, do Công ty CP gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, quy mô 1 triệu tấn gang, sắt xốp/năm và 1 triệu tấn phôi vuông/năm.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện Bộ đang xây dựng "Dự thảo Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035".
Sau khi lấy ý kiến một số bộ ngành, đơn vị có liên quan, tiếp thu và chỉnh sửa, Bộ Công Thương sẽ giới thiệu toàn văn Dự thảo lần 2 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn chỉnh.
Danh sách cụ thể 12 dự án bao gồm:
1) Nhà máy phôi thép Lào Cai của Công ty Cổ phần Đầu tư gang thép Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Nguyên nhân loại bỏ do đề nghị của địa phương.
2) Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Thiên Thanh, tỉnh Lào Cai. Nguyên nhân loại bỏ do đề nghị của địa phương.
3) Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép Khoáng sản Việt của Công ty Cổ phần khai thác Khoáng sản Việt, tỉnh Cao Bằng. Nguyên nhân loại bỏ do quy mô nhỏ, nguồn nguyên liệu không đảm bảo.
4) Nhà máy luyện thép Hà Giang tỉnh Hà Giang. Nguyên nhân loại bỏ do chưa xác định được chủ đầu tư.
5) Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La, tỉnh Sơn La. Nguyên nhân loại bỏ do chưa xác định được chủ đầu tư.
6) Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần VT&TN Toàn Bộ, tỉnh Bắc Cạn. Nguyên nhân loại bỏ do không đáp ứng điều kiện về quy mô.
7) Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao của Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam, tỉnh Ninh Bình. Nguyên nhân loại bỏ triển khai chậm.
8) Nhà máy thép Việt Ý giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần thép Việt Ý, tỉnh Hưng Yên. Nguyên nhân loại bỏ do đề nghị của địa phương.
9) Nhà máy luyện gang thép Quảng Bình của Công ty TNHH Anh Trang, tỉnh Quảng Bình. Nguyên nhân loại bỏ do đề nghị của địa phương.
10) Nhà máy thép HK và thép CLC 2 gđ của Công ty Cổ phần thép Thủ Đức, thép Biên Hòa, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nguyên nhân loại bỏ do không thuộc phạm vi quy hoạch.
11) Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3 của Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nguyên nhân loại bỏ do năng lực yếu kém của chủ đầu tư.
12) Nhà máy thép Hậu Giang 2 gđ của Tổng Công ty Thép Việt Nam, tỉnh Hậu Giang. Nguyên nhân loại bỏ do chủ đầu tư đề nghị không thực hiện.
Thu Trang (TH theo Vietnam Finance, Tuổi trẻ)