Tại Hội nghị cải cách hành chính năm 2016 diễn ra sáng 13/12 tại Hà Nội, Bộ Công Thương cho biết đang từng bước đơn giản hóa nhiều thủ tục với quy trình nhanh hơn nhằm giúp người dân và doanh nghiệp giảm thiểu thời gian chờ khi nộp hồ sơ.
Bộ Công Thương bỏ 15 thủ tục hành chính. Ảnh minh họa
Cụ thể, Bộ bãi bỏ 15, đơn giản hóa 108 TTHC trong tổng số 443 TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Các lĩnh vực đơn giản hóa gồm: Lĩnh vực kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 TTHC); thương mại quốc tế (3); công nghiệp nặng (2); kinh doanh phân bón (7); kinh doanh tiền chất công nghiệp (1); hóa chất (11); điện lực (2); sản xuất, kinh doanh thuốc lá (6); kinh doanh khí (18); năng lượng (4); an toàn thực phẩm (12); sản xuất, kinh doanh rượu (19); kinh doanh xăng dầu (15); đánh giá sự phù hợp (4); xúc tiến thương mại (5); xuất, nhập khẩu (8); quản lý cạnh tranh (1).
Ông Trần Hữu Linh, Chánh văn phòng Bộ Công Thương cho biết, việc sửa đổi liên quan đến 17 lĩnh vực của ngành công thương, 40 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 28 thông tư, một quyết định và 9 Nghị định, 2 thông tư liên tịch cần phải sửa đổi bao hàm ở 17 lĩnh vực khác nhau.
“Khối lượng thủ tục cắt giảm và đơn giản hóa lên tới gần 30% tổng số thủ tục hành chính hiện có của ngành công thương. Đây là quyết định mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương. Trong năm 2017, Vụ Pháp chế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định. Khối lượng công việc rất lớn nhưng cũng phải làm, bởi đây là đòi hỏi bức thiết cũng như quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ”, ông Linh cho biết.
Việc xóa bỏ và đơn giản hóa các TTHC này nằm trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng là lĩnh vực được coi trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, TTHC được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Trước đó, Bộ Công Thương đã tiếp thu, lắng nghe để sửa đổi một số quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp như ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BCT bãi bỏ việc kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may; Sửa đổi danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương; Sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng; Sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất…
Thu Trang (Tổng hợp)