Theo hãng tin Bloomberg, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Á sẽ trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông này mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu, cụ thể là "La Nina". Trái ngược với El Nino khi khiến thời tiết nóng lên, La Nina lại khiến Châu Á trở nên rét lạnh hơn trong mùa đông này, qua đó khiến cuộc khủng hoảng thiếu điện trở nên trầm trọng hơn do các hộ gia đình thiếu năng lượng sưởi ấm.
Sự mở của nền kinh tế hậu đại dịch đã khiến chuỗi cung ứng không kịp chuẩn bị và khiến nhiều nước thiếu nguyên liệu, năng lượng để sản xuất điện. Hệ quả là hàng loạt vụ cắt điện đã diễn ra, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân trên diện rộng.
Tờ SCMP nhận định tình hình thiếu than và khí đốt hiện nay sẽ càng trở nên nghiêm trọng trong mùa đông lạnh giá tới khi nhu cầu tăng cao hơn nữa, nhất là trong bối cảnh La Nina.
"Chúng tôi dự đoán nhiệt độ mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn so với các năm ở khu vực Bắc Á", Phó chủ tịch Renny Vandewege của hãng cung cấp số liệu DTN nhận định.
Dự trữ khí ga hoá lỏng của Nhật bản cao hơn bình quân 5 năm qua
Đồng quan điểm, Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia Nhật Bản (JMA) cho biết nhiệt độ tại nước này sẽ hạ thấp hơn so với cùng kỳ các năm vào tháng tới mà nguyên nhân chính là La Nina. Hiện Nhật Bản đang vô cùng cảnh giác để đảm bảo an ninh năng lượng sau quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giá bán buôn điện tại Nhật đã tăng khá mạnh trong thời gian trở lại đây.
Theo các nhà máy điện tại Nhật, họ đã từng không đủ nguyên liệu để chạy máy dù nhu cầu gia tăng và buộc phải mua khí ga hoá lỏng từ nước ngoài với giá đắt đỏ hơn để có thể hoạt động trong năm 2020.
Tình hình nghiêm trọng đến mức Bộ thương mại Nhật Bản đã phải họp nhóm lại với các nhà cung ứng điện năng, khí ga và dầu mỏ lớn nhất nước để chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra vào mùa đông này.
Nhận thức được tình hình, các nhà máy điện chủ chốt tại Nhật Bản đã dự trữ nhiều khí ga hoá lỏng cao hơn 24% so với mức bình quân trong 5 năm qua nhằm chống khủng hoảng.
Tại Hàn Quốc, tình hình cũng tương tự khi đài khí tượng thuỷ văn của nước này dự báo nhiệt độ sẽ thấp hơn so với thông thường vào mùa đông năm nay. Năm ngoái, Hàn Quốc đã phải chứng kiến tuyết rơi đầu mùa sớm hơn 15 ngày so với dự kiến còn mùa đông thì ngày càng lạnh hơn.
Để đối phó với tình hình, Hàn Quốc đã hạ thuế nhập khẩu xăng dầu, khí hoá lỏng nhằm dữ trữ cho các nhà máy điện cũng như hoạt động sản xuất trước khi mùa đông thực sự đến.
Trong khi đó tại Ấn Độ, quốc gia này lại đang phải đối mặt với hạn hán và lũ lụt. Việc thiếu nước khiến nhiều nhà máy thuỷ điện không thể chạy hết công suất trong khi mùa mưa sắp tới có thể khiến nhiều mỏ than buộc phải tạm dừng hoạt động.
*Nguồn: Bloomberg, SCMP
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết