"Big 4" ngân hàng 6 tháng đầu năm: Bidv quán quân nợ xấu, Vietinbank khó có "cửa" tăng vốn,...

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, kết quả kinh doanh của 4 'ông lớn ngân hàng' bắt đầu lộ diện. Vietcombank xếp hạng đầu, VietinBank còn vướng nhiều khó khăn cần tháo gỡ, trong khi Agribank và BIDV dường như đang có nhiều cơ hội để lột xác nhờ con đường tăng vốn.

Nợ xấu cao và gia tăng trích lập dự phòng

“Đứng đầu bảng” nợ xấu hiện nay là BIDV, tại thời điểm 30/6/2019 nợ xấu nội bảng lên tới 21.121 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh tới 46% lên 10.492 tỷ và nhóm nợ này đang chiếm tới gần một nửa trong cơ cấu nợ xấu của BIDV. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng cũng từ mức 1,9% hồi đầu năm leo lên 1,98%.

Vì vậy mà chi phí dự phòng rủi ro của nhà băng này tăng 6,8% lên 10.710 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và chiếm tới 69% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của nhà băng này.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2019, VietinBank cũng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu với tỷ lệ 100%.

Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, từ mức 4.952 tỉ của năm 2018 tăng vọt lên 7.477 tỉ đồng. Khối nợ xấu nội bảng lên tới 13.010 tỷ đồng. Chưa kể, nợ xấu gửi tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có dấu hiệu tăng lên, thực sự là gánh nặng đối với Vietinbank.

Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2019 thì Agirbank mới công bố số liệu quý 1/2019 và chưa công bố số liệu chi tiết trong quý 2.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho nợ xấu đang tăng nhanh, cuối tháng 3/2019 nợ xấu nội bảng của ngân hàng là 19.824 tỷ đồng, tăng 3.384 tỷ, tương đương tăng hơn 20% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay từ mức 1,63% hồi đầu năm đã nhích lên 1,93%. Tính đến 31/7, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 02 là 1,49%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (1,96%), giảm 0,02% so với đầu năm.

Trong khi nợ xấu nội bảng tăng lên thì nợ xấu tại VAMC có chuyển biến tích cực hơn. Cụ thể, số trái phiếu đặc biệt của VAMC giảm 28% xuống còn 5.617 tỷ đồng. Trong đó, dự phòng lên tới 6.472 tỷ đồng. Tức số dư trái phiếu đặc biệt đã giảm về âm 855 tỷ đồng. Do đó, trong giai đoạn tới ngân hàng này sẽ còn phải “hy sinh” một phần lợi nhuận nữa.

"Big 4" ngân hàng 6 tháng đầu năm: Bidv quán quân nợ xấu, Vietinbank khó có "cửa" tăng vốn,... - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Đại gia "bí cửa" tăng vốn

Trong 4 ngân hàng quốc doanh, Vietcombank đang có khối nợ xấu nhỏ nhất. Tổng nợ xấu của Vietcombank tính đến ngày 30/6/2019 là 7.134 tỉ đồng, tăng 911 tỉ đồng (14,64%) so với thời điểm 31/12/2018 do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gần 6 lần, từ 291,8 tỷ lên 1.670 tỷ. Toàn bộ số nợ xấu này đã được ngân hàng trích lập dự phòng tới hơn 170%.

Quan ngại nhất vẫn là Vietinbank, hiện nay nhà băng này đang thực sự "bí cửa" tăng vốn so với 3 nhà băng còn lại. Dư địa tăng vốn của VietinBank có phần "khiêm tốn" hơn. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65%, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép. Việc tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với VietinBank là điều không thể thực hiện, theo những quy định hiện nay.

Do không tăng được vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã xuống gần ngưỡng cảnh báo, thậm chí nếu tính theo Basel II thì đã xấp xỉ ngưỡng thấp nhất. Vì vậy, Vietinabank khó có thể mở rộng hoạt động.

Hiện tại, Vietinbank đang phải tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu. Gần đây nhất, nhà băng này thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu với quy mô 500 tỷ đồng, nâng tổng lượng trái phiếu phát hành từ đầu năm đến nay lên 650 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giải pháp trái phiếu chỉ là bước đi tình thế của ngân hàng để giải quyết một phần khó khăn trong ngắn hạn. Thực tế, nếu không tìm được cách giải quyết phù hợp thì ngân hàng này có nguy cơ mắc kẹt lâu dài.

Ngược lại, tuy nợ xấu còn cao nhưng BIDV và Agribank đang có nhiều cơ hội để thay đổi nhờ con đường tăng vốn.

Theo ước tính của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thương vụ bán 15% vốn cổ phần cho KEB Hana Bank sẽ giúp CAR của BIDV đạt 11,3%, cho phép ngân hàng tăng tài sản sinh lãi thêm 13% trong 2 năm tới.

"Tuy nhiên, để áp dụng chuẩn Basel II thì BIDV phải cắt giảm CAR xuống 150-200 điểm cơ bản nên thương vụ phát hành riêng lẻ này chỉ là cách giải quyết vấn đề tạm thời về vốn”, VCSC nhận định. Vì vậy, thương vụ bán 15% vốn cổ phần cho KEB Hana Bank chỉ là cách giúp BIDV giải quyết vấn đề thiếu vốn tạm thời, có thêm nguồn vốn kinh doanh để tăng tốc.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Agribank sẽ cổ phần hóa vào năm 2020. Hơn nữa, với lợi thế lượng khách hàng lớn, huy động vốn, am hiểu thị trường, triển vọng phát triển thị trường tín dụng nông thôn…, tương lai ngân hàng này sẽ còn nhiều sự lột xác bất ngờ.

Như vậy, muốn "đoán bệnh" của các ngân hàng tốt hay khỏe nhất định phải nhìn vào khối nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu như nào. Trong 4 "ông lớn" ngân hàng thì Vietinbank đang có nhiều vấn đề đáng ngại nhất. Tuy Agribank và BIDV có tình hình tài chính không được khả quan như Vietinbank nhưng hai ngân hàng này lại có vẻ sáng sủa hơn trong cơ hội tăng vốn nhờ mua bán - sáp nhập (M&A) hay cổ phần hóa.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục