Biệt thự tiền tỷ bị bỏ hoang: Vì đâu nên nỗi?

(Kinhdoanhnet) - La liệt các biệt thự, nhà liền kề tại các dự án ở Hà Nội bị bỏ hoang nhiều năm nay và chưa có dấu hiệu cho thấy khối tài sản “kếch xù” này nhúc nhích. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc lựa chọn phân khúc đầu tư chưa phù hợp với nhu cầu của đa số các đối tượng trong xã hội, việc kinh doanh các dự án nhà ở thiếu hợp lý…

Biệt thự tiền tỷ bị bỏ hoang: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1
Những căn biệt thự liền kề tại khu đô thị Mễ Trì Thượng bị bỏ hoang từ nhiều năm nay

Khu nhà ở Tổng cục 5 Tân Triều tại thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội), có hàng trăm căn nhà đã xây thô từ 2 đến 3 tầng. Dự án nằm cạnh Khu đô thị Văn Quán, tuy nhiên vẫn chưa được khớp nối hạ tầng hoàn chỉnh, đường vào chật hẹp, xung quanh là đồng ruộng, nên rất ít người đến ở. Trên tường các căn biệt thự xây thô bỏ hoang là chi chít các số điện thoại rao bán.

Trên thực tế, tại các dự án nằm ven đường Vành đai III Hà Nội, các dự án bị bỏ hoang rất nhiều. Bên cạnh dự án Khu nhà ở Tổng cục 5 Tân Triều còn có các khu nhà biệt thự, liền kề tại các dự án, như Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh - Geleximco, Splendora, Khu đô thị Vân Canh, Kim Chung - Di Trạch, Lideco (huyện Hoài Đức)...

Khu đô thị Văn Khê (Hà Đông) nằm trên trục đường Lê Văn Lương Kéo dài đã từng một thời hứa hẹn trở thành khu nhà ở kiều mẫu, lý tưởng, với đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng, cho đến nay, số lượng những căn nhà đã hoàn thiện chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, còn lại đều đã bị bỏ hoang.

Tình trạng này cũng diễn ra rất phổ biến ở một số khu đô thị khác như Mỹ Đình, Mễ Trì, Trung Văn (Từ Liêm), Xa La (Hà Đông), Việt Hưng (Gia Lâm)…

Theo thống kê của Công ty TNHH Savills Việt Nam, phân khúc biệt thự, nhà liền kề ở Hà Nội hiện có 128 dự án, với khoảng 42.700 căn. Trong đó, 30.600 căn được chào bán dưới dạng phiếu mua bán (đã đầy đủ cơ sở pháp lý), số còn lại đến từ các dự án còn đang trong giai đoạn hợp đồng góp vốn. Trong tương lai, nguồn cung của phân khúc biệt thự, liền kề còn đến từ 86 dự án, với tổng diện tích khoảng 11.500 ha, nằm rải rác tại 15 quận, huyện.

Trong quý I/2014, phân khúc biệt thự, liền kề tiếp tục có giao dịch rất trầm lắng. So với quý IV/2013, giá chào bán bình quân toàn thị trường giảm 3% cho hạng mục nhà biệt thự và giảm 2% với hạng mục nhà liền kề. Mức giảm giá rõ nhất với biệt thự là ở quận Tây Hồ (giảm 5%) và quận Hai Bà Trưng (giảm 6%). Với hạng mục nhà liền kề, quận Hà Đông và huyện Hoài Đức có mức giảm cao nhất (4%).

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết là do giá nhà bị đẩy lên quá cao, trong khi đó, thu nhập của người dân lại thấp. Chính vì vậy, họ không có đủ điều kiện kinh tế để đầu tư vào phân khúc nhà ở “đắt đỏ” này (thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt hơn 40 triệu đồng/năm, nhưng các dự án biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội vẫn duy trì giá bán từ 30 đến 120 triệu đồng/m2). Số lượng người có đủ tiền để mua những căn biệt thự này là rất ít.

Bên cạnh đó, một phần cũng là do tác động của thị trường. Thị trường bất động sản trầm lắng đã khiến cho việc bán các căn biệt thự cao cấp này trở nên khó khăn hơn. Trong khi, các doanh nghiệp trong một thời gian dài vướng phải lãi suất cao của ngân hàng nên đã không đỉ tiềm lực tài chính để hoàn thiện những dự án bất động sản này.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng giao thông ở những khu đô thị mới này chưa hoàn thiện cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân nghi ngại khi quyết định mua nhà và dọn nhà về ở…

Với hàng tá những nguyên nhân như vậy thì không biết những căn biệt thự tiền tỷ này sẽ tiếp tục bị bị hoang đến bao giờ?








Thu Phuong (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục