Biển Đông đốt nóng Đối thoại Shangri-La ngay từ giờ khai mạc

(Kinhdoanhnet) - Đối thoại Shangri-la 2015 - Diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu khu vực vừa khai mạc tối 29/5 tại Singapore. Tình hình trên biển Đông liên quan tới Trung Quốc nóng ngay từ giờ phút khai mạc.

Đúng 19 giờ (theo giờ Việt Nam) tối 29-5, Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 14 khai mạc ở Singapore.

26 đoàn đại biểu quân sự cấp cao các nước, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc…đến tham dự.

Biển Đông đốt nóng Đối thoại Shangri-La ngay từ giờ khai mạc - Ảnh 1
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu Việt Nam tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại, nơi mà nhiều vấn đề nóng liên quan đến tình hình an ninh khu vực sẽ được thảo luận.

Phát biểu khai mạc diễn đàn năm nay là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Hội nghị năm nay xoay quanh 3 chủ đề chính: khủng bố, thương mại và lãnh thổ. Trong đó, vấn đề tranh chấp biển Đông được dự báo sẽ trở thành chủ đề nóng bỏng và được chú ý nhất.

Thủ tướng Singapore thừa nhận “hành động gây ra những phản ứng,” để nói về tình hình trên biển Đông liên quan tới Trung Quốc. “Mỹ đang phản ứng với các hành động của Trung Quốc bằng việc tăng thêm các chuyến bay và các hoạt động tàu vào gần khu vực đang tranh chấp, bắn tín hiệu là họ không chấp nhận các tuyên bố đơn phương về chủ quyền ở biển Đông” - ông nói.

Dù vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ và Trung Quốc không sử dụng sức mạnh quân sự để chia Thái Bình Dương (trong đó có biển Đông) thành “hai vùng ảnh hưởng riêng biệt” vì khu vực này “đủ rộng lớn” để chứa cả “hai con hổ”.

Thủ tướng Singapore nhấn mạnh: “Nếu tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS) thì đó là kết quả tốt đẹp nhất. Mặt khác, nếu căng thẳng leo thang thành xung đột do cố ý hay vô tình thì đó là một viễn cảnh rất tồi tệ. Ngay cả khi chúng ta tránh được cuộc xung đột đó nhưng kết quả được quyết định bằng sức mạnh thì nó cũng sẽ tạo một tiền lệ xấu. Kịch bản này có thể không dẫn đến một cuộc xung đột ngay lập tức nhưng nó tạo ra bối cảnh kém ổn định hơn. Bởi vì về lâu dài, một khu vực muốn ổn định không thể được duy trì bằng sức mạnh của một cường quốc mà đòi hỏi sự đồng thuận và hợp pháp trong cộng đồng quốc tế kết hợp cùng với sự cân bằng về quyền lực”.

Biển Đông đốt nóng Đối thoại Shangri-La ngay từ giờ khai mạc - Ảnh 2
Thủ tướng nước chủ nhà Singapore khai mạc Đối thoại Shangri La

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Tiến sỹ John Chipman đã chỉ ra rằng, nửa đầu năm 2015 này, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến những căng thẳng mới ở Biển Đông khi một số nước tiến hành cải tạo và xây dựng quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa nhằm tăng cường sự hiện diện và trong một số trường hợp là các hoạt động quân sự tại đây. Mỹ đã phản ứng quyết liệt đối với những gì mà Washington cho rằng là “mối đe dọa đối với tự do hàng hải và hàng không” trong khu vực này.

Tiến sỹ John Chipman cho rằng: “Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất đối với các nhà hoạch định chính sách an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là trật tự khu vực nào sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. Hơn bao giờ hết, các nước châu Á – Thái Bình Dương và các đối tác bên ngoài khu vực này cần phải suy nghĩ một cách chiến lược về lợi ích dài hạn của họ hơn là những cái lợi trước mắt.”

Đối thoại Shangri La là một diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh tổ chức từ nhiều năm qua trở thành sự kiện quốc phòng quan trọng của khu vực.

Phương Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục