Thủ tướng Singapore sẽ có bài phát biểu dẫn đề vào tối nay giờ địa phương, mở màn diễn đàn thường niên kéo dài 3 ngày do Viện nghiên cứu an ninh quốc tế (IISS) chủ trì.
Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 năm nay, mọi chuyên gia đều dự liệu một cuộc “khẩu chiến” gay cấn Mỹ - Trung khi mà Biển Đông đang có nguy cơ bị quân sự hóa.
Diễn đàn Đối thoại Shangri La thường niên lần thứ 14 sẽ diễn ra ở Singapore
Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông vì các hành động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ồ ạt của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm kiếm một vai trò quân sự lớn hơn trong khu vực để phản ánh sức mạnh kinh tế và chính trị của mình, gây ra những lo ngại trong khu vực.
Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang muốn mở rộng sự ảnh hưởng quân sự, trong khi Mỹ tiếp tục tăng cường chính sách cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đang ồ ạt xây dựng trên các bãi đá ngầm và cảnh báo tàu thuyền, máy bay tránh xa khu vực, khiến Mỹ phải tăng cường tuần tra.
Mỹ và cả thế giới đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hoạt động này, nhưng chỉ nhận được một thái độ cứng rắn từ Bắc Kinh. Đáp lại, Lầu Năm Góc đã đưa máy bay do thám quân sự P-8 Poseidon quần thảo nơi Trung Quốc đang xây cất trái phép. Đặc biệt, máy bay quân sự này còn mang theo phóng viên Đài truyền hình CNN. Philippines cũng đã có hành động tương tự.
Mới nhất, vào ngày 26/5, Trung Quốc đã công bố Sách trắng quốc phòng với những lời lẽ chỉ trích nặng nề “một số quốc gia bên ngoài đang cấp tập lợi dụng quấy rối chuyện Biển Đông” và “một số nhỏ khác duy trì hành động do thám chống lại Trung Quốc”.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter
Trên đường tới Singapore để tham dự Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn, khi ông kêu gọi Bắc Kinh ngừng ngay việc cải tạo đất ở Biển Đông, đáp trả Trung Quốc chỉ ít ngày sau khi nước này công bố sách trắng quốc phòng, trong đó vạch ra các kế hoạch nhằm tăng cường các khả năng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.
Về phía Trung Quốc, chuyên gia William Choong lưu ý Bắc Kinh lần này gửi đến Đối thoại Shangri-La một phái đoàn hùng hậu hơn mọi năm, với trưởng đoàn là Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc. “Việc đưa một vị tướng cao cấp, lại chuyên về hải quân cho thấy Bắc Kinh đang rất chú trọng vấn đề an ninh biển”, ông Choong nhận xét. Ông Tôn sẽ phát biểu tại phiên toàn thể thứ 4 vào sáng 31/5. Quan chức Bộ Quốc phòng Singapore nói trên nhận định kịch bản ông Tôn “bỏ bài phát biểu chuẩn bị sẵn” để đổi giọng “lên lớp” Mỹ như năm 2014 có thể tái diễn và gay cấn hơn.
Phương Anh (TH)