BIDV và những điều còn dang dở

(Kinhdoanhnet) – Bên cạnh những thành công vô cùng to lớn mà BIDV đã gặt hái được dưới thời Chủ tịch Trần Bắc Hà, vẫn còn đó những điều dang dở mà vị Chủ tịch này chưa thể hoàn thành tại BIDV. Đặc biệt là những khoản nợ xấu.

Khoản nợ khổng lồ 10.664 tỷ tại Hoàng Anh Gia Lai

Tính đến hết năm 2015, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nợ khoảng 27.099 tỷ đồng tiền vay ngắn hạn và dài hạn. Trong đó số đó 10.664 tỷ đồng là tiền vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bao gồm các khoản cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu. Những khoản nợ này đã đến hạn phải trả nhưng HAGL vẫn chưa thể thanh toán cho phía chủ nợ.

Cuối tháng 4/2016, tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2016 của BIDV, ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc BIDV cho biết: Các khoản nợ của HAGL tại ngân hàng này đều có tài sản đảm bảo và số dư nợ vẫn trong tầm kiểm soát của ngân hàng. Ông Phan Đức Tú cũng khẳng định HAGL chỉ đang gặp khó khăn về thanh khoản chứ không hề mất khả năng trả nợ. Giá trị tài sản đảm bảo của HAGL tại BIDV được định giá vào khoảng 18.000 tỷ đồng so với số dư nợ 10.664 tỷ. Cũng tại cuộc họp ông Trần Bắc Hà cho biết nếu bán toàn bộ tài sản đảm bảo của HAGL tại BIDV thì có thể thu hồi cả gốc lẫn lãi nhưng nếu bán đi thì HAGL sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Trước tình trạng khó khăn về thanh khoản của HAGL, các ngân hàng có dư nợ cho vay tại HAGL đã nhóm họp và đưa ra quyết định sẽ tái cơ cấu nợ cho HAGL, nhưng đến hiện tại vẫn phải chờ đợi câu trả lời từ Chính phủ về phương thức tái cơ cấu nợ ở HAGL. Nhiều khoản vay của HAGL có lãi suất là trên 11%/năm. Sau khi nhóm họp các ngân hàng thống nhất sẽ giãn tiến độ trả nợ cho HAGL, từ phải chi trả trong năm 2016 sang có thể trả sau kéo dài tới 7 năm và lãi suất có thể giảm xuống 6,5-7% với các khoản nợ trong lĩnh vực đầu tư được Nhà nước khuyến khích.

Các ngân hàng cũng phải tính toán rất nhiều nếu đưa các khoản vay của HAGL vào mục nợ xấu là vì nếu đưa vào mục nợ xấu thì HAGL sẽ phải chịu thêm lãi suất phạt như vậy HAGL sẽ càng khó khăn trong việc trả nợ hơn. Hơn nữa nếu một ngân hàng đưa khoản vay của HAGL vào mục nợ xấu thì theo quy định, nợ của HAGL ở tất cả các ngân hàng đều bị coi là nợ xấu, và HAGL sẽ không thể vay tiền từ các ngân hàng đã có nợ xấu. Như vậy không khác nào đẩy HAGL vào bước đường cùng, và cũng đồng nghĩa với những khoản vay sẽ càng khó có thể thu hồi hơn.

Khối lượng nợ xấu tăng vọt

Mặc dù trong báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2016, BIDV đã thống nhất không đưa khoản nợ 10.664 tỷ của HAGL vào danh mục nợ xấu thế nhưng khối lượng nợ xấu của ngân hàng vẫn gia tăng đột biến.

Cụ thể 6 tháng đầu năm 2016, 11 ngân hàng công bố báo cáo tài chính sở hữu hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu, trong số đó chỉ riêng BIDV đã "ôm" tới 13.183 tỷ đồng, tăng 36% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2% so với 1,62% ở giai đoạn cuối năm ngoái. Trong cơ cấu nợ xấu của BIDV có 4.514 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn, tăng 13,5% so với đầu năm; nợ nghi ngờ là 2.326 tỷ đồng, tăng tới hơn 1.438 tỷ đồng so với con số xấp xỉ 888 tỷ ở giai đoạn đầu năm; nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với con số này đầu năm 2016.

Nếu so với 2 ngân hàng Vietinbank và Vietcombank trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù quy mô dư nợ của BIDV cao hơn 2 ngân hàng trên lần lượt là 11% và 54% thế nhưng tổng nợ xấu BIDV lại gấp tới 2,5 lần so với Vietinbank và gấp đôi so với Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu 6 tháng đầu năm của Vietinbank chỉ là 0,91% và Vietcombank là 1,75%, trong khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của BIDV là 2%.

Có thể thấy việc phải sáp nhập MHB – một trong số những ngân hàng thuộc diện yếu kém bị NHNN buộc phải tái cơ cấu vào hệ thống đã khiến cho BIDV gặp khó khăn trong khâu giải quyết nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ đến từ MHB. Đây sẽ là bài toán khó cho người kế nhiệm ông Trần Bắc Hà tại BIDV.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ ngân hàng và trả cổ tức năm 2015

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2016 vào ngày 24/4/2016, BIDV cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ ngân hàng trong năm 2016. Theo đó BIDV sẽ tăng thêm khoảng 9.466 tỷ đồng vốn điều lệ, qua đó nâng tổng vốn điều lệ ngân hàng lên thành 43.633 tỷ đồng, trở thành ngân hàng TMCP có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Hội nghị đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ qua ba nguồn: Phát hành cho Nhà đầu tư nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi; Phát hành trái phiếu chuyển đổi; Phát hành cho cổ động hiện hữu.

Ngoài ra, BIDV cũng đang gặp khó trong vấn đề chi trả cổ tức cho cổ đông. Theo đó, khoản cổ tức năm 2015 của BIDV dự tính chi trả bằng cổ phiếu nhưng tháng 4 vừa qua, Bộ tài chính đã yêu cầu BIDV phải trả bằng tiền mặt. Như vậy nếu phải trả bằng tiền mặt như yêu cầu, BIDV sẽ phải chi ra tổng cộng 2.769 tỷ đồng để trả cho Bộ Tài chính.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục