Mạng lưới giao dịch lớn sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được nhiều bộ phận khách hàng, ở những vùng miền khác nhau. Đó là lý do mà nhiều ngân hàng vẫn muốn mở rộng số lượng điểm giao dịch để gia tăng độ phủ, thu hút nhiều khách hàng mới.
Tại BIDV, tính đến hết 9/2019 có 189 chi nhánh, 1 trụ sở, 871 phòng giao dịch trong nước. Tổng cộng, nhà băng này đang vận hành và quản lý 1.060 điểm giao dịch ngân hàng, đứng thứ 4 sau Agribank, LienVietPostBank, Vietinbank.
Trong 2 năm trở lại đây, nhà băng này liên tục 'khai tử' công ty, chi nhánh ngoài nước.
Mới đây, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – HoSE: BID) vừa có Nghị quyết về việc giải thể hoạt động văn phòng đại diện BIDV tại Cộng hòa Séc sau 8 năm thành lập. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 3/2/2020.
Theo đó, văn phòng đại diện BIDV tại Cộng hòa Séc được thành lập vào ngày 7/11/2012, đặt tại số 707/86 Vinohradská Praha, Cộng hòa Séc. VPĐD này có hoạt động chính là tư vấn, hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Cộng hòa Séc đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Sau khi VPĐD tại Cộng hòa Séc giải thể, BIDV sẽ chỉ còn hiện diện tại 5 nước là Campuchia, Lào, Đài Loan, Nga, Myanmar.
Trước đó, tháng 3/2018 BIDV cũng 'khai tử' công ty tài chính 1 USD tại Hong Kong sau 10 năm hoạt động. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của công ty này là tìm kiếm cơ hội huy động và quản lý các quỹ đầu tư, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính nhằm huy động vốn tại thị trường quốc tế để đầu tư vào Việt Nam.
Hồi giữa tháng 12/2017, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) - công ty con của BIDV, cũng đã phải đóng cửa Văn phòng đại diện tại Myanmar sau gần 3 năm hoạt động với vai trò là cầu nối xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm giữa Việt Nam và Myanmar.
Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 10.876 tỷ đồng, tăng 15,8% và vượt 5,6% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.665 tỷ đồng, tăng 15,8%.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản BIDV vượt mức 1,49 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 13%, lên gần 1.117 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi khách hàng đạt gần 1.114 triệu tỷ đồng, tăng 12,6%.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2019 tại BIDV.
Đáng chú ý, năm 2019 BIDV trích hơn 20.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, tăng 6,2% so với năm 2018. Hơn nữa, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này tăng hơn 4.000 tỷ đồng (từ 7.170 tỷ đồng năm 2018 tăng lên 11.208 tỷ đồng năm 2019).
Hà Phương (t/h)