Tàu Ocean Queen có giấy chứng nhận đăng ký tàu biển số HP-BUI-001190-4 cấp tại Hải Phòng ngày 09/08/2017.
Giá khởi điểm 300.650 tỷ đồng không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Các đơn vị tham gia đấu giá phải đặt cọc hơn 15 tỷ đồng.
Tàu Ocean Queen.
Trước đó, hồi năm 2011, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Nam Triệu đã hạ thuỷ tàu chở hàng rời 53.000 tấn mang tên Ocean Queen. Tàu được đóng mới cho chủ tàu là Công ty Vận tải biển Hoa Ngọc Lan.
Ocean Queen do Công ty Carl Bro (Đan Mạch) thiết kế với chiều dài 190m, rộng 32,26m, dung tích hàng 53.000 tấn.
Vào 9 năm trước (2010), công ty Hoa Ngọc Lan đã đàm phán mua con tàu 53.000 DWT (ký hiệu HR53-NT02) của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu đóng mới. Đây là tàu được đóng và hạ thủy từ năm 2007, nhưng chủ tàu Graig (Vương quốc Anh) không nhận tàu.
Giá mua tàu khi ấy là 33 triệu USD, tương ứng khoảng 627 tỷ đồng (tỷ giá 19.000 đồng/USD). Theo thỏa thuận, bên mua tàu có trách nhiệm làm việc với ngân hàng để cho Nam Triệu vay khoảng 150 tỷ đồng để hoàn thiện tàu...
Đến tháng 10/2010 ký hợp đồng mua tàu, Hoa Ngọc Lan cũng được Ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội ký hợp đồng cấp tín dụng tối đa 29,7 triệu USD để đầu tư mua tàu 53.000 DWT, thời hạn vay 8 năm, thế chấp bằng chính con tàu này...
Được biết, công ty Hoa Ngọc Lan ra đời đầu năm 2008, hoạt động trong ngành vận tải biển. Đây là doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi dám mua tàu có trọng tải lớn nhất đóng trong nước.
Doanh nghiệp này từng gây chú ý vào cuối năm 2013 khi đề nghị mua lại hơn chục con tàu đóng dở kèm nợ vay hàng nghìn tỷ đồng để đóng những tàu ấy của Vinashin.
Báo Thời nay từng đưa tin, Công ty TNHH VTB Hoa Ngọc Lan “mạnh tay” đầu tư, mua bán tàu biển, ngay trong thời gian thị trường này khủng hoảng. Tuy nhiên, mua bán đó chỉ là phần “nổi”. Phần “chìm” chính là trục lợi, “thổi giá” đầu tư...
Lãi giảm, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng tại BIDV
Tại BIDV, vấn đề xử lý nợ xấu luôn được chú trọng quan tâm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019, tại thời điểm 30/09, dư nợ cho vay của BIDV là 1,073 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% so với quý II/2019.
Tuy nhiên đi cùng với đó, nợ xấu (không bao gồm nợ đã bán cho VAMC) cũng liên tục tăng qua từng thời điểm. Tính đến 30/09, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, sau trích lập dự phòng, lãi sau thuế của BIDV đạt hơn 5.600 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước.
Hà Phương