BIDV đang phải đối mặt với những hệ luỵ từ nợ xấu

(Kinhdoanhnet) – Khối lượng nợ xấu khổng lồ và liên tục có chiều hướng gia tăng đã khiến cho các khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và các chi phí liên quan tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của BIDV thời gian gần đây.

Khối lượng nợ xấu khổng lồ vẫn tiếp tục tăng mạnh

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây đã công bố Báo cáo tài chính riêng lẻ Công ty mẹ Quý 3/2016, ghi nhận những tăng trưởng khá về các chỉ số ngân hàng và kết quả kinh doanh, thế nhưng điểm đáng chú ý nhất trong BCTC của BIDV lại chính là khoản nợ xấu và khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng trong Quý 3 và luỹ kế 9 tháng đầu năm 2016.

Cụ thể hồi đầu năm 2016, khối lượng nợ xấu của riêng BIDV ở mức 9.589 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 1,61% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 4.735 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là 887 tỷ và nợ dưới tiêu chuẩn đạt 3.967 tỷ đồng. Thời điểm đó, BIDV cũng là ngân hàng có khối lượng nợ xấu thuộc hàng cao nhất hệ thống, mặc dù dư nợ cho vay cũng không quá lớn so với Vietinbank hay Vietcombank nhưng nợ xấu của BIDV thì cao hơn nhiều so với 2 ngân hàng này.

Trong giai đoạn Quý 1 và 2 năm 2016, nợ xấu BIDV tiếp tục có chiều hướng gia tăng và tăng khá nhanh. Tính đến cuối Quý 1 khối lượng nợ xấu của BIDV đã lên tới con số 10.787 tỷ đồng, đến giữa năm 2016 một lần nữa mức tăng khối lượng nợ xấu của BIDV khiến nhiều người phải bất ngờ khi đã tăng lên thành 12.717 tỷ đồng, tương đương mức tăng 33% so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,93% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 5.880 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng lên 2.324 tỷ đồng và 4.513 tỷ đồng nợ dưới tiêu chuẩn.

 

BIDV đang phải đối mặt với những hệ luỵ từ nợ xấu - Ảnh 1

Cả khối lượng và tỷ lệ nợ xấu của BIDV đang có dấu hiệu tăng nhanh trong những quý gần đây. Ảnh: QT.

Trong BCTC riêng lẻ Quý 3/2016 của BIDV lại ghi nhận khối lượng nợ xấu của ngân hàng tiếp tục tăng. Cụ thể, tổng khối lượng nợ xấu của BIDV đã lên tới 13.218 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng chỉ trong Quý 3. Tỷ lệ nợ xấu tính tới ngày 30/9/2016 của ngân hàng mẹ BIDV là 1,96% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là hơn 6.947 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là 2.203 tỷ và nợ dưới tiêu chuẩn là 4.067 tỷ đồng. Nếu so với đầu năm, nợ xấu của BIDV đã tăng hơn 3.628 tỷ đồng, tỷ lệ tăng từ 1,61% lên 1,96%, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 2.212 tỷ đồng, tương đương 46%.

Có thể thấy dù BIDV đã cố gắng cải thiện chất lượng dư nợ cho vay của mình thế nhưng nợ xấu vẫn ngân hàng vẫn tiếp tục tăng khá nhanh dù khối lượng nợ xấu đã thuộc hạng cao nhất toàn hệ thống.

Khó khăn đối mặt với việc xử lý nợ

Việc nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng cao khiến cho các khoản trích lập dự phòng và các chi phí xử lý nợ đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian gần đây.

Tính cho tới ngày 30/9/2016, tổng tài sản riêng ngân hàng mẹ BIDV đạt hơn 947.087 tỷ đồng, tăng 12%; khoản cho vay – huy động vốn cũng tăng lần lượt 12% và 15% so với đầu năm.

Về kết quả kinh doanh Quý 3 ngân hàng mẹ BIDV ghi nhận 6.418 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 25% so với cùng kỳ, hoạt động chứng khoán kinh doanh cũng mang về 147 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái báo lỗ. Thế nhưng nợ xấu tăng cao dẫn tới khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, riêng Quý 3 khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV là 2.464 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm 2015. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, BIDV đã phải trích lập gần 6.940 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi ròng Quý 3 của BIDV đạt 1.938 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, luỹ kế 9 tháng đầu năm lãi ròng BIDV đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, trong khi đà tăng của lợi nhuận thuần trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới gần 40%.

 

BIDV đang phải đối mặt với những hệ luỵ từ nợ xấu - Ảnh 2

Các khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận của BIDV. Ảnh: QT.

Rõ ràng việc phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng quá nhiều đã khiến lãi ròng ngân hàng tăng trưởng chậm hơn so với thu nhập chung của ngân hàng. Điều này cũng đã được Công ty Cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhắc tới gần đây.

Cụ thể, theo đánh giá từ phía VCSC thì nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của BIDV chính là nợ xấu. Trong khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của BIDV nửa đầu năm tăng gần 17% thì chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng tới 30%, từ 3.460 tỷ đồng giai đoạn giữa năm 2015 lên 4.494 tỷ đồng giữa năm 2016, khiến mức tăng trưởng lợi nhuận trước và sau thuế của BIDV chỉ còn lần lượt là 4,4% và 5,1% so với cùng kỳ.

Điều tương tự cũng xảy ra trong Quý 3/2016, mặc dù các nguồn thu cùng tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần của BIDV tăng gần gấp đôi đạt 4.841 tỷ đồng, nhưng chi phí dự phòng quá lớn đã khiến lãi ròng ngân hàng chỉ tăng nhẹ 4% đạt 1.938 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng cũng chỉ tăng 7% đạt 4.570 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Trong tương lai nợ xấu của BIDV sẽ tiếp tục tăng cao vì bên cạnh nợ xấu chính thức và trái phiếu VAMC hiện tại thì BIDV vẫn còn có những khoản nợ từ các khách hàng lớn, có khả năng sẽ được tái cơ cấu mà không phải chuyển nhóm nợ, việc không bị chuyển nhóm nợ vào nhóm nợ xấu sẽ giúp BIDV giảm gánh nặng dự phòng nhưng lại làm tăng rủi ro tín dụng cho BIDV trong tương lai.

BIDV cũng đang có xu hướng giảm xoá nợ xấu trong năm 2016, khi mà nửa đầu năm 2016 tỷ lệ xoá nợ xấu của BIDV chỉ là 0,1% tổng dư nợ trong khi cuối năm 2015 tỷ lệ này là 0.8%.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục