BIDV chuyển nhượng phần vốn của mình tại VID Public Bank cho PBB của Malaysia

(Kinhdoanhnet) - Ngày 15/7/2014, tại trụ sở BIDV đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng PUBLIC BANK BERHAD (PBB) của Malaysia.

Ngay sau khi kí kết hợp đồng, PBB sẽ nộp hồ sơ xin phép NHNN cấp phép thành lập Ngân hàng mới sở hữu 100% vốn bởi PBB. Sau khi ngân hàng VID Public Bank chuyển thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các khách hàng, chuyển giao công nghệ quy trình để nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn quốc.

Ngân hàng Liên doanh VID - Public được thành lập ngày 25/03/1992 trên cơ sở góp vốn liên doanh theo tỷ lệ 50/50 giữa BIDV và Public Bank Berhad - PBB (Malaysia), qua 3 lần tăng vốn, đến nay Vốn điều lệ của ngân hàng là 62,5 triệu USD. Tổng tài sản đạt 356 triệu USD, tổng dư nợ 222 triệu USD.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, việc thoái vốn này nằm trong Đề án tái cơ cấu ngân hàng BIDV đã được trình Chính phủ vào đầu tháng 3/2013. Đến tháng 7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc Đề án này. Đến tháng 11/2013, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chính thức hướng dẫn việc chuyển giao phần vốn của BIDV cho PBB.

Trong 5 tháng tới, BIDV sẽ chuyển giao toàn bộ quyền điều hành tại ngân hàng VID Public cho phía Malaysia. Không tiết lộ về mức giá chuyển nhượng, nhưng người đại diện BIDV tiết lộ mức giá này cao hơn giá cổ phiếu của một số ngân hàng Việt Nam hiện nay (trong đó cao hơn cả giá cổ phiếu BIDV hiện nay).

Ông Hà cho biết, trong 22 năm hoạt động, ngân hàng liên doanh VID Public luôn có lãi.

BIDV chuyển nhượng phần vốn của mình tại VID Public Bank cho PBB của Malaysia - Ảnh 1
BIDV chuyển toàn bộ phần vốn của mình tại VID Public Bank cho PBB

Về phía BIDV, Chủ tịch hội đồng quản trị BIDV cho biết, sẽ trình cổ đông kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài,theo đó sẽ phát hành thêm cổ phần để bán cho nhà đầu tư được lựa chọn sao cho tổng mức sở hữu của khối ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ BIDV sau khi phát hành thêm cổ phiếu.

Giá bán cho nhà đầu tư ngoại sẽ xác định theo phương thức thỏa thuận.

Để thực hiện kế hoạch phát hành này, BIDV xin cổ đông thông qua việc cổ đông hiện hữu của BIDV từ bỏ quyền ưu tiên mua trong đợt chào bán cổ phần cho đối tác ngoại.

Cổ phiếu BID của BIDV mới được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ ngày 24/1/2014. Tính đến ngày 11/4, khối ngoại mới nắm 0,19% vốn BIDV.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang là đại diện sở hữu vốn nhà nước tại ngân hàng này với 95,76% vốn điều lệ BIDV.

Cũng theo tài liệu của BIDV, ngân hàng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2014 với nguồn vốn huy động tăng trưởng 13%;dư nợ tín dụng (chưa bao gồm dự phòng rủi ro) tăng trưởng 13% và phấn đấu đạt 16% trên cơ sở chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Quốc Hưng (tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục